“Theo luật của Australia, hành khách đến Australia phải điền đầy đủ thông tin vào Phiếu nhập cảnh (Incoming Passenger Card). Trên phiếu này, hành khách phải thành thật khai báo nếu có mang theo bất kỳ sản phẩm thịt, sản phẩm từ động vật, hoặc các món đồ khác có nguy cơ về an ninh sinh học. Ngoài việc bị tịch thu những sản phẩm mang nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh sinh học khi nhập cảnh, hành khách vi phạm việc không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí bị truy tố. Nếu gửi đồ cho người thân hoặc bạn bè đang sống tại Australia, không nên gửi các sản phẩm thịt qua bưu phẩm, bưu kiện. Người gửi cần ghi rõ nội dung của gói hàng trên tờ khai khi gửi kiện hàng đi quốc tế qua đường bưu điện”, văn bản nêu rõ.
Được biết, hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đều tiến hành kiểm tra hàng triệu hành khách, bưu kiện, hành lý, tàu, động vật, thực vật và container chở hàng đến Australia bằng máy quét X-ray, thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm hóa trực tiếp và sử dụng chó nghiệp vụ.
Nhờ đó mà, dù dịch tả lợn châu Phi (ASF) và Dịch lở mồm long móng (FMD) đã từng được phát hiện trong một số sản phẩm thịt tại sân bay và bị tịch thu bởi các cán bộ an ninh sinh học, nhưng Australia hiện không có hai dịch bệnh này.
Trong năm 2017-18, các cán bộ an ninh sinh học tại Australia đã thu giữ gần 350.000 món đồ có nguy cơ an ninh sinh học từ đường hàng không và các bưu phẩm gửi qua đường bưu điện trong đó có một số món đồ từ Việt Nam đã bị thu giữ trong khoảng thời gian này.
Điển hình là một hành khách trình báo về thuốc đông y nhưng lại có 4kg hoa quả và rau trong hành lý chưa được khai báo; Một khách hàng không trình báo về 24kg mật ong đã qua xử lý thô, cũng như xoài, cá và thịt lợn trong hành lý. Trong khi đó, một hành khách khác cố mang cá chọi, ốc và tôm sống trong hành lý; Ngoài ra, có hành khách trình báo tại sân bay về thịt khô, nhưng sau đó bị phát hiện mang theo đồ gỗ, trên đó có dấu hiệu của côn trùng và kiến...