Hội nghị tổ chức trực tuyến với các địa phương, được kỳ vọng như một cuộc “hội chẩn” kịp thời để “đại phẫu” ngành du lịch vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế.
Như loạt bài Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” đăng trên Báo SGGP (từ ngày 9 đến 13-11) đã lột tả thực trạng còn yếu của ngành du lịch Việt Nam hiện nay: các điểm đến vốn thu hút khách du lịch như Phú Quốc, Đà Lạt, Quảng Ninh… rơi vào cảnh đìu hiu. Sự sụt giảm của ngành du lịch là đáng báo động, bởi ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển của nền kinh tế, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng sẽ gian nan hơn.
Trở lại chiến lược phát triển du lịch quốc gia của nước ta, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ “ngành công nghiệp không khói”. Tháng 1-2020, Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” có hiệu lực, nêu rõ đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới; phấn đấu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế, 120 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 ngàn tỷ đồng, tương đương 77-80 tỷ USD… Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, kỳ vọng nói trên không thành hiện thực.
Hiện tại, Bộ VH-TT-DL là đầu mối chủ trì lấy ý kiến các bộ ngành hoàn thiện dự thảo “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sẽ trình Chính phủ xem xét.
Về khách quan, lý do dịch bệnh đã làm thị trường du lịch ảm đạm, nhưng không phải vì thế “du di” cho nhau mà phải chỉ rõ: Tại sao ngành du lịch chúng ta không theo kịp các nước bạn, khi bùng nổ cũng không bằng mà phục hồi sau đại dịch cũng thua nốt? Do đó, với bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang dần lấy lại đà tăng trưởng là cơ hội vàng để “đại phẫu” toàn bộ ngành du lịch. Trước tiên, hàng loạt câu hỏi cần phải được giải đáp rõ ràng: Tại sao người dân đi du lịch các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… lại rẻ hơn đi du lịch trong nước? Tại sao vấn đề “chặt chém” tồn tại dai dẳng nhiều năm, trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm? Tại sao vé máy bay nội địa lại đắt hơn vé máy bay một số đường bay quốc tế? Tại sao các bất động sản nghỉ dưỡng phục vụ cho ngành du lịch lại trở thành sản phẩm đầu cơ?…
Theo các chuyên gia, muốn cạnh tranh, thu hút du khách thì vấn đề đầu tiên là giá. Làm thế nào để kích thích người dân sẵn sàng vác ba lô đi chơi bất kể thời điểm nào với mức giá phù hợp túi tiền, điều kiện. Ở đây, muốn có giá tốt phải có sự bắt tay toàn diện thực hiện chiến lược kích cầu sâu rộng, từ ngành hàng không, khách sạn, cho đến các địa điểm, dịch vụ du lịch. Đơn cử, trong cơ cấu giá vé máy bay hiện nay, thuế phí chiếm khoảng 1/2; rồi thuế phí cũng chiếm đáng kể trong lưu trú, ăn uống, cũng như tại các khu vui chơi giải trí. Vậy, để giảm chi phí đi du lịch, trước hết là phải miễn thuế, phí toàn bộ, hoặc giảm thật sâu cho các hoạt động phục vụ du lịch; từ đó các đơn vị kinh doanh cũng tự mình giảm giá theo, dẫn tới giá thành sẽ giảm mạnh. Bởi vì, hãng hàng không ế khách nhưng vẫn phải bay, nếu giảm sâu thì lấy số nhiều để bù vào; khách sạn không có người ở vẫn phải vận hành để tránh tình trạng phòng ốc meo mốc, xuống cấp; các cơ sở ăn uống nếu không có khách thì không dám nhập hàng mới, còn trữ hàng thì dẫn tới chất lượng kém…
Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng một chiến lược tiếp thị, khai thác những thị trường mới cũng như thu hút dòng khách có thu nhập cao. Chính sách visa cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, nới rộng để du khách đến Việt Nam dễ dàng, có thời gian trải nghiệm, chi tiêu nhiều hơn… Mặt khác, về tổng thể, cần thẳng thắn nhìn nhận, tiềm năng của ngành du lịch như phong cảnh hữu tình, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề… của chúng ta đang ở đâu so với các điểm đến trên thế giới? Nếu không tự biết mình ra sao để đầu tư cho phù hợp, thì sẽ mãi bị tụt hậu. Toàn cầu hóa len lỏi mọi ngõ ngách, và nếu chúng ta không hấp dẫn thì chắc chắn du khách sẽ chọn nơi khác!
Tóm lại, chúng ta cần phải có giải pháp tổng thể và được điều phối bởi một “nhạc trưởng” quyền lực, đầy tâm huyết để vực dậy ngành du lịch nước nhà phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước.