Tại giải này, bóng đá nữ TPHCM tham gia 2 đội, Hà Nội cũng cử 2 đội, còn lại là Sơn La, Phong Phú Hà Nam, Than Khoáng sản và Thái Nguyên T&T. Với chừng đó đội thì chỉ đá vài trận là xác định ngôi vương, nên xét về chuyên môn thuần túy thì có thể nói là không quá kịch tính và gây cấn. Nhưng nếu nhìn thấu đáo hơn, chúng ta sẽ thấy có những điều đáng lưu tâm.
Từ mùa giải đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 đến nay, chưa lúc nào giải vô địch bóng đá nữ Việt Nam có nhiều hơn 8 đội. Để đảm bảo “con số tiêu chuẩn” nhằm thuận lợi cho việc bố trí lịch thi đấu, buộc các trung tâm bóng đá như Hà Nội hay TPHCM nhiều năm phải tham gia 2 đội. Thế nên, để giữ được chừng đó đội thi đấu hơn 20 năm qua là một kỳ công của bóng đá Việt Nam.
Thuyết phục các cô gái trẻ chơi bóng đá đã là một điều vô cùng khó, nhưng để họ giữ được tình yêu với trái bóng, theo đuổi đam mê từ lúc 14-15 tuổi cho đến tận 30-31 tuổi là cả một hành trình không đơn giản. Không có sự kiên trì của họ khó thể có những thế hệ đàn em can đảm nối bước. Để có thể chơi bóng thời gian dài như vậy, nữ cầu thủ phải hy sinh lứa tuổi đẹp nhất của đời một người phụ nữ. Một cầu thủ nam ngoài 30 chưa lập gia đình, khi giải nghệ vẫn còn nhiều cơ hội cho một sự nghiệp mới, nhưng với phía nữ hầu như sẽ chẳng còn gì ở phần còn lại sau thời gian thi đấu. Điều đáng tiếc là dường như chưa có chính sách, chiến lược hoàn chỉnh nào của thể thao Việt Nam đề cập đến yếu tố này.
Chưa bàn đến vấn đề thu nhập, vì thực tế ở đâu các nữ VĐV vẫn thiệt thòi hơn, cái cần đề cập chính là chiến lược khuyến khích nữ giới đến với thể thao nhiều hơn, nhất là thể thao chuyên nghiệp. Có thể số tiền nữ VĐV kiếm được sẽ ít hơn nhưng ở góc độ quản lý, số lượng VĐV nữ phải làm sao cân bằng với nam. Đấy là vấn đề vĩ mô bởi có nhiều VĐV nữ tức là càng thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới trong xã hội. Đấy là chưa nói đến những giá trị mà họ đem lại cho nền thể thao. Về thành tích, cho đến nay chính các nữ VĐV là những người tiên phong và thậm chí còn vượt đồng nghiệp nam. Có thể kể đến chiếc huy chương Olympic đầu tiên của Việt Nam thuộc về nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân; VĐV Việt Nam được xếp vào hàng huyền thoại của SEA Games chính là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên; chiếc huy chương điền kinh đầu tiên tại SEA Games thuộc về Vũ Bích Hường và tất nhiên không thể không nhắc đến vị trí số 1 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam…
Rõ ràng, sự cống hiến của VĐV nữ lớn hơn so với các VĐV nam nếu xét ở tỷ lệ VĐV theo giới tính, nhưng mức độ đãi ngộ, chiến lược đầu tư và số lượng công việc mà ngành thể thao tạo ra cho các cô gái ít hơn nhiều so với nam giới. Mong rằng, thực tế này sẽ sớm được những người làm quản lý thể thao dành sự quan tâm đúng mức bằng những hành động cụ thể, thiết thực.