Hàng loạt đoạn đường hư hỏng
Đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn qua tỉnh Đắk Nông có chiều dài 154km, trong đó có 2 dự án BOT và 1 dự án được thực hiện bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Mới đưa vào hoạt động khoảng 3 năm, nhưng cung đường này nhiều nơi đã xuống cấp, hư hỏng nặng.
Đoạn đường dài khoảng 40km từ xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp về thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), có hàng chục các điểm mặt đường bị rạn nứt, bong tróc, xuất hiện các ổ gà lớn.
Đáng chú ý, tại vị trí thôn 8, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, mặt đường xuất hiện vết hằn lún vệt bánh xe, tạo thành rãnh giữa quốc lộ. Còn tại cầu Đắk R’tih (phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa), các khe co giãn của cầu bị hư hỏng nặng tạo thành rãnh ngang giữa đường, sâu từ 20-30cm, là “cái bẫy” nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Được biết, đoạn đường trên do Công ty CP BOT&BT Đức Long Đắk Nông (gọi tắt là Công ty Đức Long Đắk Nông) làm chủ đầu tư.
Tại vị trí Km1805 (đoạn qua xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) do Liên danh Công ty Toàn Mỹ 14 và Công ty Băng Dương làm chủ đầu tư theo dự án BOT, mặt đường xuất hiện vết nứt, vết hằn lún bánh xe kéo dài hơn 50m, tạo thành rãnh giữa đường.
Còn tại đoạn đường từ huyện Đắk Song về huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) được làm từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng xuất hiện nhiều điểm xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, tại Km1862+450 (đoạn qua thôn Nam Bình, huyện Đắk Song) xuất hiện nhiều ổ gà liên tiếp, lấn hết một phần đường, có ổ gà sâu 10-20cm.
Đoạn đường Hồ Chí Minh từ thị xã Buôn Hồ về huyện Ea Hleo (tỉnh Đắk Lắk) cũng được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Ban quản lý đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, cũng xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng nặng… Đáng nói, tại những vị trí này, các nhà thầu đã sửa chữa, chắp vá chằng chịt nhưng vẫn hư hỏng lại.
Trên địa phận tỉnh Gia Lai, đường Hồ Chí Minh qua huyện Chư Sê, Chư Pưh do Công ty CP BOT&BT Đức Long Gia Lai đầu tư theo hình thức BOT, bị hư hỏng với rất nhiều ổ gà và các vệt lún. Tương tự đó là đoạn qua các xã Nghĩa Hưng, Hòa Phú, Ia Khươl (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai), nhiều vị trí hư hỏng nằm san sát nhau giữa đường… Còn tại Kon Tum, hư hỏng xuất hiện ở đoạn qua xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà đang được tiến hành sửa chữa.
Yêu cầu khắc phục
Nói về nguyên nhân khiến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông xuống cấp, hư hỏng, ông Nguyễn Đình Trạc, Giám đốc Công ty Đức Long Đắk Nông, giãi bày: “Theo quy định của Bộ GTVT, đường Hồ Chí Minh được bảo hành 4 năm. Tuy nhiên, dự án đơn vị nhận thực hiện có một số gói thầu hoàn thành trước thời hạn, được đưa vào sử dụng sớm nên đã hết hạn bảo hành và xuất hiện nhiều hư hỏng…
Về khe co giãn cầu Đắk R’Tih bị hư hỏng, đơn vị đã nhiều lần khắc phục nhưng các vị trí hư hỏng vẫn bị bong ra. Công ty cũng đã có kế hoạch thay mới khe co giãn cầu để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông”.
“Tuy nhiên, vì vẫn còn nằm trong sai số cho phép (dưới 2,5cm) nên đơn vị vẫn đang theo dõi”, ông Lân nói.
Ông Nguyễn Nhân Bản, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, cho biết, sở đã yêu cầu Công ty Đức Long Đắk Nông phải khắc phục những sự cố hư hỏng. Nếu chậm trễ trong việc triển khai thực hiện, gây mất an toàn giao thông thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và sở sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi kinh phí thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và xử lý theo quy định.
Ngoài ra, sở cũng đã có văn bản gởi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Quản lý đường bộ III, chỉ đạo các đơn vị nhà thầu khắc phục các hư hỏng qua địa bàn tỉnh do Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và Công ty Toàn Mỹ 14 - Băng Dương làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng Quản lý dự án II, Quản lý đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Ea H’leo (thuộc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh), cho biết: “Hiện ban quản lý dự án và các nhà thầu đã ký kết hợp đồng với một đơn vị đường bộ tại Đắk Lắk để duy tu, sửa chữa trong thời gian bảo hành...”.
Còn theo ông Hà Anh Thái, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Gia Lai, Ban An toàn giao thông tỉnh đi kiểm tra và đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý đường bộ III, cơ quan quản lý nhà nước đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai và Công ty CP BOT&BT Đức Long Gia Lai tranh thủ thời tiết thuận lợi sử dụng vật liệu bền vững để sửa chữa mặt đường; thường xuyên kiểm tra phát hiện và sửa chữa các vị trí hư hỏng, thực hiện công tác bảo trì công trình theo quy định nhằm đảm bảo khả năng khai thác và an toàn giao thông trên tuyến.
Hiểm họa rình rập trên đường tránh TP Vinh Dự án xây dựng tuyến tránh TP Vinh được đầu tư theo hình thức BOT, do Cienco4 làm chủ đầu tư, với tổng giá trị dự án 362 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, gần đây quốc lộ 1A - đoạn tránh TP Vinh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng… Đường tránh TP Vinh chạy qua 6 xã và thị trấn của huyện Hưng Nguyên, dài khoảng 15km, nhưng có đến 5 điểm đen về an toàn giao thông. Theo thống kê của CSGT Công an huyện Hưng Nguyên, từ tháng 11-2017 đến giữa tháng 7-2018, đã xảy ra 12 vụ tai nạn làm chết 10 người và bị thương 18 người... Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường tránh TP Vinh ngày 11-7-2018 Tại huyện Nghi Lộc, tuyến tránh TP Vinh đi qua các xã: Nghi Hoa, Nghi Diên, Nghi Vạn với chiều dài khoảng 8km. Trung tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Trưởng Công an huyện Nghi Lộc, cho biết: Sở dĩ đoạn tránh Vinh qua địa bàn Nghi Lộc hay xảy ra TNGT ngoài các lý do trên còn do hệ thống đèn chiếu sáng hầu như không có, trên đường tồn tại một số điểm đen giao thông chưa xóa được; hệ thống biển báo cũng chưa đầy đủ, từ đường phụ nối đường chính chênh lệch độ cao… Trước tình trạng TNGT, vừa qua, Cục Quản lý đường bộ II phối hợp với Ban ATGT và Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, Chi nhánh BOT đường tránh Vinh đã tiến hành kiểm tra hiện trường công tác đảm bảo ATGT trên tuyến đường… Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An, cho biết, ban đã yêu cầu nhà đầu tư phải khắc phục bằng cách tăng độ ma sát, những điểm giao cắt với đường tránh Vinh phải bổ sung biển cảnh báo, gờ giảm tốc độ. Ngoài ra, ban cũng đề xuất giảm tốc độ trên tuyến từ 80km/giờ xuống 60km/giờ… DUY CƯỜNG |