Đại lộ Thăng Long và những bài học lớn

Đại lộ Thăng Long và những bài học lớn

Với tên mới Đại lộ Thăng Long, cuối cùng, đường Láng – Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thành và chính thức thông xe. Vậy là con đường hiện đại nhất Việt Nam với mặt cắt lên tới 140m, chiều dài toàn tuyến khoảng 30 km đã hiện rõ hình hài, tên gọi; chỉ còn chờ được dọn dẹp, tô điểm thêm trước khi bước vào ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Không chỉ là “đường”, Đại lộ Thăng Long còn có các hợp phần, gồm đường cao tốc, đường gom, các dải lưu thông giữa đường cao tốc và đường gom cùng dải dự trữ giữa 2 làn cao tốc; 3 nút giao lập thể, 3 hầm chui, 13 cầu vượt kênh, sông mương và 27 cầu chui dân sinh, cầu chui ô tô cùng 12 cầu vượt nút giao thông... Đó là chưa kể các hạng mục kỹ thuật đồng bộ theo đường, gồm tuyến đường sắt trên cao (theo quy hoạch, đặt tại dải lưu không giữa đường cao tốc và đường gom); tuyến truyền tải nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội và hệ thống kỹ thuật phục vụ các khu đô thị mới được quy hoạch dọc 2 bên tuyến.

Đại lộ Thăng Long đoạn trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: S.X.

Đại lộ Thăng Long đoạn trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: S.X.

Không phải ai cũng biết, nhưng nhiều người còn nhớ, dự án này đã thai nghén rất lâu và quá trình xây dựng cũng… “ba chìm bảy nổi”. Đây là tuyến cao tốc trọng điểm nằm trong quy hoạch chung của chuỗi đô thị Xuân Mai - Miếu Môn - Hòa Lạc - Sơn Tây, từ cách đây hàng chục năm, nhiều nhà quản lý đã ấp ủ dự định mở rộng và nâng cấp con đường. Thế nhưng phải đến ngày 20-3-2005, dự án mới chính thức được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư dự kiến 5.379 tỷ đồng. Sau đó phải điều chỉnh lên tới 7.527 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng “đội” lên cao.

Tiến độ thi công con đường cao tốc từng là nỗi băn khoăn lớn của toàn xã hội. Thời gian hoàn thành dự án 30 tháng, như dự kiến ban đầu, đã “chuyển mốc” nhiều lần (và trong thời gian đó, việc hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội đã khiến rất nhiều tính toán về con đường không còn chính xác). Tổng cộng thời gian hoàn thành con đường này chậm gần 3 năm so với kế hoạch ban đầu!

Nhìn lại quá trình xây dựng con đường, một vị lãnh đạo TP Hà Nội nhận định: “Dự án một lần nữa chứng minh nhận định không có gì mới: Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn”. Với tinh thần “nói đi cũng phải nói lại”, ông nhìn nhận, trong khi một số ít tổ chức, cá nhân chây ì, cố tình trì hoãn bàn giao mặt bằng thì công tác quản lý đất đai của các địa phương cũng tỏ ra quá nhiều “kẽ hở” và “lỗ hổng”. Hệ quả tất yếu là khó xác định được nguồn gốc đất làm cơ sở lập phương án bồi thường; việc chuẩn bị đất tái định cư cũng chậm, không đáp ứng được nhu cầu cấp đất ở cho các hộ dân phải di dời; lúng túng khi lập phương án bồi thường cho các doanh nghiệp cần giải tỏa có tài sản lớn. Bên cạnh đó là những khó khăn khách quan (như thiết kế phải điều chỉnh cho phù hợp với định hướng quy hoạch chung của Hà Nội, đơn giá thay đổi do giá vật liệu tăng...) và chủ quan (việc giải quyết các thủ tục liên quan của Bộ GTVT chưa kịp thời; lực lượng thi công còn hạn chế cả về số lượng và năng lực thi công...).

Giờ đây, tuyến Đại lộ Thăng Long đã cơ bản thông xe trong niềm vui của người dân Hà Nội và cả nước, nhưng vị lãnh đạo TP Hà Nội có tâm tư rằng, với ông, nó là “con đường lớn để lại nhiều bài học lớn”!

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục