Trong phiên thảo luận đã có rất nhiều các tham luận tập trung vào các vấn đề cụ thể như giáo dục lòng từ bi, vị tha cho giới trẻ, xây dựng đạo đức hiếu nghĩa, xây dựng lối sống gia đình, tâm linh Phật giáo và xã hội đương đại…
Đại đức Thích Huệ Đạo, Ban Phật giáo quốc tế tỉnh Tiền Giang, cho rằng, kinh tế phát triển, công nghệ phát triển vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho toàn nhân loại với các vấn nạn như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, tôn giáo, đói nghèo, thất học, bạo lực tràn lan...
PGS-TS Hoàng Thị Thơ, nguyên Trưởng phòng Triết học Phương Đông, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho biết, Phật giáo cho rằng con người phải sống dựa vào tự nhiên, nhờ tự nhiên để thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu như thức ăn, thức uống, thức mặc và ở… nhưng không phải để thỏa mãn sự tham lam.
Đã có hơn 100 bài tham luận được trình bày trực tiếp tại 20 diễn đàn trước các nhà nghiên cứu, học giả với rất nhiều câu hỏi vấn đáp và phần thảo luận sôi nổi. Hội thảo quốc tế đã đi đến thống nhất một số giải pháp để giải quyết và hướng đến vấn đề của cuộc sống đương thời, hướng tới sự đề cao giá trị bền vững của gia đình, sự bình đẳng, hòa bình cho toàn xã hội.