Nhìn lại, chúng ta có thể thấy trong 5 năm qua, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã được thực thi dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, góp phần đưa Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020). Ngay cả khi đối mặt với đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được thành tích ấn tượng và có thể duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020.
Theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy, dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, Việt Nam đã tích cực đóng những vai trò quan trọng và đầy trách nhiệm trên trường khu vực và quốc tế, mang về vị thế, sự công nhận của quốc tế. Gần đây nhất, Việt Nam có thể tự hào về trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020, trong bối cảnh đầy thách thức to lớn do đại dịch Covid-19 gây nên. Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam cũng được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) trong nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐBA LHQ trong năm 2020.
Trên trường khu vực và quốc tế, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo, dẫn dắt cả ASEAN và HĐBA LHQ tiến lên trước những thách thức chung, từ sự sẵn sàng ứng phó đại dịch và nhu cầu hậu Covid-19 cho đến việc tái thiết kinh tế, chống biến đổi khí hậu, đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như những vấn đề khác. Việt Nam đã cố gắng đưa LHQ và ASEAN xích lại gần nhau và đưa ra phương thức giao tiếp “bình thường mới” giữa những nhà lãnh đạo khu vực trong thời kỳ khủng hoảng y tế.
Về quan hệ song phương giữa Thái Lan và Việt Nam, trong 5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vững bền mối quan hệ hợp tác, hữu nghị và đối tác. Thái Lan và Việt Nam đã kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2016, sau khi mối quan hệ giữa hai nước được nâng tầm Đối tác chiến lược vào năm 2015. Thủ tướng và các bộ trưởng hai nước đã gặp gỡ nhiều lần, ở cả Thái Lan và Việt Nam, và qua các cuộc điện đàm. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã gặp nhau trong cuộc họp Ngoại trưởng lần thứ 3 và kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương tại Thái Lan vào tháng 1-2019. Các nhà lãnh đạo của chúng ta thống nhất mục tiêu sẽ sớm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 20 tỷ USD.
Trong thời gian tới, chúng tôi rất quan tâm theo dõi việc thực hiện các nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của ĐCSVN, đặc biệt là việc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Chúng tôi hy vọng Việt Nam tiếp tục vai trò xây dựng ở ASEAN, trong khu vực và hơn thế nữa. Vì Việt Nam vẫn là thành viên của HĐBA LHQ, đại diện cho nhóm châu Á - Thái Bình Dương đến cuối năm nay. Chúng tôi hy vọng Việt Nam tiếp tục là cầu nối giữa ASEAN và HĐBA LHQ trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, phù hợp với nghị quyết của ĐCSVN về tăng cường ngoại giao đa phương.
Dưới sự điều hành của ban lãnh đạo mới của Việt Nam sắp tới, chúng tôi hy vọng rằng cuộc họp nội các chung Thái Lan - Việt Nam lần thứ tư, do hai Thủ tướng đồng chủ trì, sẽ sớm được tổ chức, sau khi bị trì hoãn vào năm ngoái vì Covid-19. Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Thái Lan - Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ban lãnh đạo mới của Việt Nam vì lợi ích chung của nhân dân hai nước. Chúng tôi cũng mong hệ thống quản lý hiệu quả, minh bạch và cởi mở hơn nữa, góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, để từ đó hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp.