Ngày 18-9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức đại hội thi đua yêu nước MTTQ Việt Nam giai đoạn 2015-2020.
Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo các Bộ cùng đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương. Đại hội cũng đã tôn vinh 180 điển hình tiên tiến của phong trào yêu nước của mặt trận 5 năm qua.
Phong trào thi đua rộng lớn của toàn dân
Báo cáo tóm tắt kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, trong 5 năm qua các tầng lớp nhân dân đã hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.
MTTQ Việt Nam luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, chủ động và có nhiều sáng kiến tổ chức các phong trào thi đua yêu nước nối tiếp nhau, đa dạng và phong phú. Nhờ đó, đã tạo ra môi trường thi đua rộng rãi, vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Bên cạnh đó, Mặt trận đã luôn coi trọng tính thiết thực và hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước vừa nhằm vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra, đồng thời thực hiện nhiệm vụ tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
MTTQ Việt Nam đã vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Các cuộc vận động, các phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam phát động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... được triển khai sâu rộng, hiệu quả trong các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, với những bối cảnh, nhiệm vụ chính trị đặt ra và những yêu cầu đột xuất, Mặt trận đã phối hợp với Nhà nước chủ động ra lời kêu gọi toàn dân tham gia các cuộc vận động lớn vào từng thời điểm cụ thể. Điển hình như toàn dân ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lũ; Toàn dân hiến máu tình nguyện; Toàn dân tham gia ủng hộ khắc phục hậu quả do hạn hán, xâm nhập mặn; Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19… và được các giai tầng xã hội, các tôn giáo, đồng bào các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài đồng tình hưởng ứng, tạo thành phong trào rộng lớn và có hiệu quả thiết thực.
Nhìn chung, phong trào thi đua của MTTQ đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đơn cử như với “Phong trào toàn dân chăm lo cho công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; xây dựng nhân rộng các mô hình “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Quỹ khuyến học, khuyến tài”..., hiện nay, cả nước hiện có hơn 11.000 Trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng ở các xã, phường, thị trấn; 1.998 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các tổ chức tôn giáo…
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động nhân dân tự nguyện hiến hơn 65 triệu m² đất để làm đường, công trình dân sinh.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, hằng năm MTTQ Việt Nam đã triển khai tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17-10 -18-11). Đặc biệt, trước tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, MTTQ đã phát động và tiếp nhận ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị cả các tầng lớp nhân dân với trên 2.105 tỷ đồng…
Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã trở thành hoạt động thường xuyên
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã trở thành hoạt động thường xuyên, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước. Trong 5 năm qua, Mặt trận đã tổng hợp được 45.051 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội.
Bên cạnh đó, hằng năm, MTTQ tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11). Ngày hội thực sự là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với bà con, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, qua đó giải đáp được những vấn đề mà người dân quan tâm.
Từ phong trào thi đua 5 năm qua, MTTQ Việt Nam cho rằng, phong trào thi đua phải có mục tiêu rõ ràng, tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa cá nhân với lợi ích cộng đồng. Phải chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình, từ đó tạo động lực, động viên tinh thần để mọi người, mọi nhà tích cực hưởng ứng thi đua.
Ngoài ra, phải thường xuyên và kịp thời phát hiện nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, biểu dương, tuyên truyền kịp thời để nhân ra diện rộng nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng của phong trào thi đua.
Cùng với đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng; lấy kết quả thi đua là cơ sở, căn cứ, tiêu chí để xét khen thưởng; khen thưởng là điều kiện, động lực để thúc đẩy phong trào thi đua phát triển. Tiến hành công tác khen thưởng đảm bảo dân chủ, chính xác, công bằng, công khai, kịp thời, đúng người, đúng việc..
Giai đoạn 2020-2025, MTTQ tiếp tục phong trào thi đua yêu nước, với các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với đảm bảo an sinh xã hội; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”; phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”. Phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Vận động nhân dân hưởng ứng các việc làm từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, trợ giúp nhân dân khắc phục thiên tai, dịch bệnh…