Các đại biểu đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp các dự thảo văn kiện đại hội và bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành khóa VIII nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 15 nhà báo; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam gồm 24 nhà báo.
Trong phần trình bày tham luận, nhiều đại biểu đã đi sâu vào nội dung, giải pháp để báo chí truyền thống giữ vững sự tin cậy của bạn đọc, tiếp tục phát triển trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh và nhanh chóng. Sau đây là một số ý kiến:
* Nhà báo VÕ HUỲNH TẤN TÀI, Biên tập viên, Liên Chi hội nhà báo Đài Truyền hình TPHCM:
Chuyển đổi và thích nghi quyết định sự phát triển
Báo chí nói chung, truyền hình nói riêng, trong những năm gần đây đã đối mặt với sự cạnh tranh từ truyền thông xã hội. Truyền thông xã hội đã và đang tạo ra một “cuộc chơi mới” khiến báo chí truyền thống phải thay đổi.
Để tiến đến mô hình “phóng viên đa năng”, chúng ta cần chú trọng quá trình tái đào tạo và tự đào tạo, cần có những khóa đào tạo kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao cho đội ngũ nhà báo. Đồng thời, cần tạo nền tảng tối ưu để phóng viên, biên tập viên có thể sản xuất nội dung tại hiện trường, chuyển tải về cơ quan… một cách dễ dàng. Cơ quan báo chí cũng cần có cơ chế khuyến khích phóng viên trau dồi kỹ năng, nỗ lực trong công tác và cống hiến những sản phẩm giá trị.
Với phóng viên, biên tập viên, mỗi người cần nhận thức nghiêm túc về thách thức mới và không ngừng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp luôn là nền tảng, là cốt lõi của hoạt động báo chí, giữ hoạt động báo chí công tâm, khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ lẽ phải, qua đó giúp người dân tin tưởng, tin cậy, tin yêu báo chí. Có như vậy, nhà báo mới có bước phát triển mạnh mẽ phù hợp với tình hình mới.
* Nhà báo LÊ THẾ CHỮ, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ, Chi hội Nhà báo Báo Tuổi trẻ TPHCM:
Truyền thông hiệu quả và có đạo đức
Cách nào để báo chí chính thống có thể giữ được vị thế của mình trước thách thức từ mạng xã hội? Có chuyên gia đã đặt ra 3 yếu tố then chốt, trong đó nhấn mạnh thông tin trên báo chí chính thống phải có chất lượng cao, chân thực, xác tín, phản ánh đa chiều.
Vậy, làm thế nào để truyền thông một cách hiệu quả và có đạo đức? Chúng ta phải làm được việc định hướng cho độc giả biết tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc và vận dụng tư duy phản biện, phân tích, xử lý thông tin. Trong khi mạng xã hội thường là nơi phát tán thông tin chưa qua kiểm định, thì truyền thông chính thống phải có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin chuẩn xác.
Xét cho cùng, mạng xã hội cũng chỉ là một công cụ giao tiếp. Báo chí phải tìm cách hợp tác với mạng xã hội trong khi vẫn thực hiện chức năng giám sát của mình. Đồng thời, báo chí phải chịu trách nhiệm xác thực thông tin để xứng đáng với sự tin cậy còn lại của độc giả ngày nay.
* Nhà báo NGUYỄN KHẮC VĂN, Tổng Thư ký tòa soạn Báo SGGP, Liên Chi hội nhà báo Báo SGGP:
Kênh kiểm chứng, độ tin cậy cao
Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã tái cấu trúc các hoạt động, thay đổi cách làm báo để có thể “cạnh tranh” với đối thủ đáng gờm là truyền thông xã hội. Chiến lược được đưa ra là: đẩy mạnh làm báo điện tử, làm báo di động; tổ chức tòa soạn đa phương tiện; sử dụng thêm các dạng thức thông tin đồ họa (Infographic), báo chí mạch dài (Long-form); tương tác mạnh mẽ với bạn đọc, đặc biệt là qua mạng xã hội; tổ chức các sự kiện ngoài mặt báo…
Trong cuộc “cạnh tranh” ấy, câu hỏi đặt ra là: “Con át chủ bài” của báo chí chuyên nghiệp hiện nay là gì? Đó chính là độ tin cậy cao. Hiện công chúng còn đón nhận, còn đọc báo vì tin báo chí chuyên nghiệp ở yếu tố này.
Nhận diện rõ yếu tố cốt lõi trên, những năm qua, những người làm báo Báo SGGP xác định làm sao để Báo SGGP luôn là một trong những kênh kiểm chứng thông tin uy tín, có độ tin cậy cao. Những người làm Báo SGGP luôn phải kiểm chứng, “lọc” thông tin thật kỹ với độ nhạy cảm chính trị cũng như cảm xúc xã hội thật tốt.
Trên tinh thần ấy, Liên Chi hội Báo SGGP đã chủ động tham mưu, đề xuất Đảng ủy - Ban Biên tập triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao kỹ năng viết, biên tập, làm báo hiện đại; nâng cao trình độ lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm làm báo cho đội ngũ những người làm Báo SGGP.