Thỏa thuận về hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý này đánh dấu đỉnh cao của nỗ lực kéo dài 5 năm từ các quốc gia thành viên LHQ, với sự đóng góp của xã hội dân sự, các chuyên gia an ninh thông tin, giới học thuật và khu vực tư nhân. Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi được quốc gia thứ 40 phê chuẩn
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh việc thông qua công ước trên - hiệp ước tư pháp hình sự quốc tế đầu tiên được đàm phán trong hơn 20 năm qua. Người phát ngôn của ông Guterres tuyên bố: "Hiệp ước này là minh chứng cho sự thành công của chủ nghĩa đa phương trong thời điểm khó khăn và phản ánh ý chí tập thể của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn và chống tội phạm mạng".
Công ước công nhận các rủi ro đáng kể do việc lạm dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), vốn tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm với quy mô, tốc độ và phạm vi chưa từng có. Hiệp ước tập trung vào việc bảo vệ các quốc gia, doanh nghiệp và người dân khỏi các loại tội phạm như khủng bố, buôn người, buôn lậu ma túy và tội phạm tài chính trực tuyến.
Bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) mô tả việc thông qua hiệp ước là một "chiến thắng lớn" cho chủ nghĩa đa phương. Bà nói: "Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực nhằm xử lý các tội phạm như lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến, lừa đảo trực tuyến và rửa tiền".
Công ước đầu tiên của LHQ về tội phạm mạng ra đời trong bối cảnh quy mô và tính phức tạp của các cuộc tấn công mạng đang gia tăng mạnh mẽ.
Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) ngay lập tức đã hoan nghênh việc thông qua công ước này như một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa mạng. Văn bản là sự công nhận vai trò thiết yếu của mạng lưới thực thi pháp luật của INTERPOL trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua việc trao đổi thông tin nhanh chóng và an toàn về "tội phạm liên quan đến máy tính" và các tội phạm hình sự khác.