Trong 5 năm đầu cả nước bước vào kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, được ghi đậm nét vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Nhân dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, giành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa. Đây cũng chính là thời kỳ mà Đảng và nhân dân ta phải trải qua nhiều thách thức.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng được tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ ngày 27 đến 31-3-1982. Tham dự đại hội có 1.083 đại biểu thay mặt cho hơn 1,7 triệu đảng viên cả nước. Đại hội đánh giá những thắng lợi đạt được và những khó khăn tồn tại từ Đại hội IV đến Đại hội V, nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm (1981-1985) và những năm 80 của thế kỷ XX, Nghị quyết về xây dựng Đảng và bổ sung Điều lệ Đảng.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết, Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết, Ban Bí thư gồm 10 thành viên. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V coi ổn định kinh tế - xã hội là nhiệm vụ cấp thiết nhất, bởi vậy 8 trong 11 hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa V đều bàn về kinh tế xã hội. Những tư duy đổi mới của Đảng được hình thành và từng bước đi vào thực tiễn đời sống xã hội. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (6-1985) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho rằng: “Phải dứt khoát xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ và hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa thì mới đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh có hiệu quả”.
(Còn tiếp)
M.Thảo (tổng hợp tư liệu)
>> Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (Từ tháng 12-1976 đến tháng 3-1982)