
Sau gần 1 năm chuẩn bị, đại hội lần này diễn ra với một quyết tâm cao độ “tất cả cho sản xuất”, tất cả nhằm mục tiêu giải phóng sức sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất.
Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Phan Văn Khải nhấn mạnh: “Đại hội lần thứ 4 của Đảng bộ chúng ta lần này là đại hội đổi mới cách nhìn, cách suy nghĩ, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ và hành động theo quy luật. Đại hội Đảng bộ Thành phố chúng ta là đại hội bàn bạc và tìm ra chủ trương, biện pháp để phát huy tốt hơn nữa vai trò và thế mạnh của một trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa và khoa học - kỹ thuật, trung tâm giao dịch quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và cả nước, là đại hội tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn: Vì cả nước, cùng cả nước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.




Báo SGGP ngày 31-10-1986 đăng phát biểu của đồng chí Võ Trần Chí nêu rõ: “Đại hội đã thông qua nghị quyết. Đó là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng bộ. Nhưng đó cũng chỉ là thành công bước đầu, bởi vì muốn biến nghị quyết ấy thành hiện thực còn đòi hỏi phải được thử thách qua hoạt động thực tiễn ở nhà máy, trong các công ty, xí nghiệp, trên đồng ruộng, trong các cơ quan, trường học, bệnh viện… nói chung là phải biến nó trở thành hành động tự giác của hàng triệu người, thành phong trào cách mạng của quần chúng rộng lớn thì nó mới có hiệu quả thực sự.
Các nhiệm vụ của Đảng bộ thời gian 1986-1990 là rất nặng nề, khó khăn trước mất hãy còn nhiều. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nặng nề ấy, Đảng bộ phải khẳng định quyết tâm đổi mới trên nhiều mặt, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế".
Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 68 ủy viên.
Bí thư Thành ủy: Võ Trần Chí.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TPHCM: Phan Văn Khải (đến tháng 4-1989), Nguyễn Vĩnh Nghiệp (từ tháng 4-1989).
Phó Bí thư: Nguyễn Võ Danh.
Trong thời gian này diễn ra sự kiện quan trọng, không chỉ đối với TPHCM mà còn có sức ảnh hưởng, lan tỏa ra cả nước. Đó là công việc xúc tiến, chuẩn bị các bước đi quan trọng để thành lập Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước.

Ngày 25-11-1991, Khu chế xuất Tân Thuận được thành lập, mở ra cánh cửa lớn thu hút các nhà đầu tư Đài Loan đến Việt Nam, tạo nên làn sóng đầu tư nước ngoài vào TPHCM và các vùng lân cận.
Thành công của Khu chế xuất Tân Thuận để lại dấu ấn sâu đậm, mở đường cho TPHCM tiếp tục thành lập nhiều khu chế xuất khác.

