
Ngày 14-10-1980, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần II khai mạc trọng thể. Kể từ Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ I đến nay, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu về các mặt.

Trong bài phát biểu khai mạc đại hội, Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Nhìn lại, hơn một trăm năm nay, Sài Gòn - Gia Định luôn luôn đứng ở tuyến đầu của sự nghiệp giải phóng đất nước, đặc biệt “từ ngày có Đảng, Sài Gòn - Gia Định có vinh dự là nơi đóng trụ sở đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương. Trong 5 năm sau chiến tranh, Đảng bộ và đồng bào thành phố đã và đang tạo ra những thay đổi quan trọng: cải tạo xã hội chủ nghĩa trên diện rộng, xóa bỏ giai cấp tư sản thương nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho đông đảo người dân. Nhưng, đây cũng là thời điểm “đất nước ta đang ở trong tình trạng vừa có hòa bình, vừa có thể xảy ra chiến tranh”. Do đó, đi đôi với đặt một phần đất nước trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, chúng ta phải tập trung cao độ để ổn định và phát triển kinh tế, cải thiện từng bước đời sống nhân dân, đồng thời chuẩn bị cho những bước tiến lên mạnh mẽ sau này, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.


Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM gồm 55 ủy viên (trong đó có 4 dự khuyết).
Đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Thành ủy từ tháng 12-1981.
Đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TPHCM.
Đồng chí Trần Ngọc Ban (Mười Hương), Phó Bí thư.
Đồng chí Phan Minh Tánh (Chín Đào), Phó Bí thư.
Từ sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần I, thành phố tập trung phát triển kinh tế, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân. Các sự kiện quan trọng, tiêu biểu trong giai đoạn này đều được Báo SGGP chuyển tải, thông tin đậm nét và kịp thời.
Một số sự kiện nổi bật trong kỳ Đại hội này được phản ánh trên báo SGGP:

Những năm đầu sau giải phóng, cùng với cả nước, TPHCM đi theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhưng cơ chế này bộc lộ những điểm không phù hợp, dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế và khó khăn trong đời sống xã hội. TPHCM gần vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, nhưng người dân thành phố vẫn thiếu gạo trầm trọng, vì chính sách giá lúa thấp của Nhà nước, nên nông dân không chịu bán nông sản.
Trước nguy cơ dẫn đến nạn đói ở thành phố, Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt chỉ đạo sử dụng ngân sách hỗ trợ Công ty lương thực Thành phố do bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) làm Giám đốc, có chính sách mua lúa của dân theo giá thỏa thuận, đảm bảo nguồn lương thực cho người dân thành phố.

Quyết định táo bạo mang tính “xé rào” so với chủ trương chung không chỉ giúp TPHCM vượt qua nạn thiếu đói mà còn dẫn đến sự thay đổi về chính sách trong nông nghiệp và lưu thông hàng hóa, giải phóng sản xuất nông nghiệp khỏi bị kìm hãm như trước.
Trên thực tế, TPHCM vẫn tiếp tục gặp những khó khăn ngày càng gay gắt, nên TPHCM đã tìm mọi cách để báo cáo đầy đủ, tường tận với Trung ương về hướng đổi mới. Đặc biệt tháng 7-1983, nhân dịp đồng chí Trường Chinh và các ủy viên Bộ Chính trị đang nghỉ mát tại Đà Lạt, các doanh nghiệp đang thí điểm cách làm ăn mới ở cơ sở có hiệu quả như Liên Hiệp Dệt, Dệt Phước Long, Dược phẩm 2-9, thuốc lá Vĩnh Hội… có cơ hội trực tiếp báo cáo chi tiết những việc đã làm với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương.
Qua “sự kiện Đà Lạt” này, đồng chí Trường Chinh đã họp Bộ Chính trị, phân tích tình hình và ủng hộ cách làm của TPHCM. Đây cũng là một dấu ấn đáng ghi nhớ trong quá trình lãnh đạo đầy bản lĩnh, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Thành ủy TPHCM.

Những nỗ lực đáng ghi nhận đó đã được Trung ương biểu dương. Cụ thể, năm 1985, Công ty Lương thực Thành phố được trao Huân chương Lao động hạng Nhì, còn bà Ba Thi được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tết Tân Dậu 1981 đánh dấu lần đầu tiên Hội Hoa Xuân TPHCM được tổ chức thành công, mở ra một sự kiện văn hóa đặc sắc gắn liền với mùa xuân phương Nam.
Đến nay, qua 45 năm không ngừng phát triển, Hội Hoa Xuân đã trở thành một trong những lễ hội tiêu biểu của thành phố, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây cũng là một sự kiện mang đậm dấu ấn sáng tạo, tinh hoa của ngành sinh vật cảnh Việt Nam, đồng thời tôn vinh giá trị lao động của những người làm nghề trồng hoa, cây cảnh.
Từ thành công đó, TPHCM tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ trang hoàng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi xin giới thiệu lại một vài thông tin được Báo SGGP chuyển tải đến bạn đọc.



Trước năm 1975, khu vực hiện nay là Công viên Văn hóa Đầm Sen là một đầm lầy hoang vu, với những đụn rau muống, rau ngổ, cây cỏ rậm rạp… và là nơi thường xuyên diễn ra các tệ nạn xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.
Ngày 15-2-1976, Thành ủy - UBND TPHCM ra lời kêu gọi “Hãy xây dựng cho thành phố 3 công viên văn hóa lớn, một tại Bình Tiên, một tại Tân Bình và một tại Đầm Sen”. Hàng triệu công nhân lao động tham gia.
Công viên Văn hóa Đầm Sen được khởi công như thế trên diện tích 55ha. Từ một đầm lầy hôm nào, sớm trở thành một hồ nước sạch, với cảnh quan thoáng mát, an ninh, an toàn và là điểm đến hấp dẫn người dân thành phố cũng như du khách.
Để biến vùng đất sình lầy thành công viên như ngày nay đã có hàng vạn thanh niên thành phố ra quân cải tạo. Báo SGGP có nhiều tin, bài về quá trình cải tạo này.

