
Kể từ thời điểm 30-4-1975 - ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định và miền Nam giải phóng, chính quyền đầu tiên mang tên Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định và UBND TPHCM sau đó đã giải quyết hàng loạt vấn đề phức tạp để hồi sinh cuộc sống của một đô thị lớn nhất miền Nam, vốn là đầu não của địch. Một năm rưỡi kể từ thời khắc lịch sử 30-4-1975, vào ngày 11-11-1976, đại hội đầu tiên của Đảng bộ TPHCM được khai mạc. Lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội Đảng bộ TPHCM được tổ chức giữa lòng thành phố sạch bóng quân thù.
Đại hội lần 1 diễn ra 2 vòng. Vòng 1 từ ngày 11 đến ngày 20-11-1976, được đăng tải chi tiết trên Báo SGGP ngày 12-11-1976 và các số tiếp theo.

Đọc diễn văn khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh: “Lần đầu tiên, Đảng bộ chúng ta mở Đại hội đại biểu công khai giữa lòng thành phố đã sạch bóng quân thù. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Đảng ta có điều kiện công khai mở Đại hội từ cấp cơ sở đến Đại hội toàn quốc”.

Báo SGGP có bài xã luận: “Sự kiện chính trị lớn của thành phố chúng ta” có đoạn: “Ra đời từ những ngày đầu tiên thành lập Đảng ta, nhận lãnh trách nhiệm chiến đấu tại một nơi trung tâm đầu não của quân thù, Đảng bộ thành phố chúng ta đã trải qua nhiều gian lao thử thách trong nhiều thời kỳ, nhứt là thời kỳ chống Mỹ cứu nước vừa qua. Lớp này ngã xuống, lớp sau xông lên, từ Thành ủy, Quận ủy đến các Chi bộ đã biết bao lần “lột xác”, nhưng Đảng bộ vẫn gan dạ bám sát nhân dân, cùng với nhân dân kết thành mỗi quan hệ máu thịt, lãnh đạo nhân dân anh hùng của thành phố này kiên trì chiến đấu cho tới thắng lợi cuối cùng. Giai cấp công nhân, nhân dân lao động nội, ngoại ô, bà con nông dân ngoại thành, các nhà trí thức tiến bộ, các từng lớp thanh niên và phụ nữ, các nhân sĩ tiến bộ đã đi theo những người cộng sản đấu tranh bền bỉ và mưu trí suốt gần nửa thế kỷ để đi tới chiến thắng ngày nay”.
Báo SGGP ngày 24-11-1976 tiếp tục tường thuật về đại hội đã kết thúc thắng lợi, bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ IV.

Báo cáo của đồng chí Võ Văn Kiệt đọc tại buổi bế mạc đại hội (vòng 1) đăng ngày 24-11-1976 nhận xét: “Trong các cuộc thảo luận ở tổ cũng như ở hội trường, chúng ta đã tập trung vào các vấn đề lớn của bản Đề cương báo cáo chính trị. Ý nghĩa to lớn của thắng lợi trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, nguyên nhân của thắng lợi; những đặc điểm của nước ta khi bước vào giai đoạn cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, về đường lối chung và đường lối kinh tế, về nhiệm vụ, phương hướng của kế hoạch 5 năm (1976-1980); về xây dựng Đảng, về công tác chính quyền, về các là chức quần chúng. Các đồng chí đại biểu đã đem hiểu biết của mình, gắn với tình hình địa phương, thảo luận sôi nổi với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, đề xuất được nhiều ý kiến bổ sung cho báo cáo chính trị”.
Một trong những điểm đặc biệt lần này là đại hội được tổ chức 2 vòng. Vòng 1 thảo luận Đề cương và báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thảo luận về bản Điều lệ sửa đổi, góp ý cho đề cương của bản tham luận của Đoàn đại biểu TPHCM đi dự Đại hội Đảng Toàn quốc; đồng thời bầu Đoàn đại biểu tiêu biểu cho Đảng bộ TPHCM đi dự Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ IV.
* Vòng 2 từ ngày 19 đến ngày 30-4-1977.

Trong diễn văn khai mạc của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đăng trên Báo SGGP ngày 19-11-1977 nêu: “Thành phố chúng ta giải phóng sắp sửa được 2 năm rồi. Hai năm là một quãng thời gian rất ngắn, nhưng đó là 2 năm đặc biệt quan trọng, hai năm độc lập tự do đầu tiên, sau mấy trăm năm phải sống tăm tối dưới chế độ hết phong kiến lại đến thực dân đế quốc. Trong 2 năm đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và được sự chi viện của cả nước, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã có những cố gắng phi thường, khắc phục những khó khăn to lớn thoạt nhìn tưởng không thể nào khắc phục nổi, và đã đạt được những thành quả rất quan trọng. Kết quả là đã thực hiện những biến đổi cách mạng to lớn, sâu sắc và toàn diện.
Chiều hướng chung của những biến đổi ấy là: trong quá trình khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mới, cải tạo sâu rộng các mặt của đời sống xã hội, các nhân tố xã hội chủ nghĩa đã ra đời và không ngừng lớn mạnh, từng bước tiến lên chiếm ưu thế trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa của toàn thành phố. Đại hội Đảng bộ kỳ này là Đại hội bàn việc đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta”.
Sau 12 ngày làm việc, đại hội vòng 2 bế mạc vào ngày 30-4-1977, được Báo SGGP ra ngày 1-5-1977 thông tin chi tiết.

Phát biểu bế mạc đại hội, đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy TPHCM khóa I (1977-1980), đăng trên Báo SGGP nhấn mạnh: “Chỉ mới có hai năm sau ngày giải phóng, được ánh sáng của Đại hội Đảng lần thứ 4 soi đường, được Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chăm sóc, dìu dắt chúng ta, được kinh nghiệm của phong trào cả nước giúp đỡ, Đảng bộ chúng ta đã xác định được cho thành phố của mình mục tiêu phấn đấu và đường đi nước bước cụ thể, rõ ràng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một thắng lợi rất lớn, một thuận lợi rất lớn.

Một Đảng bộ trong một thời gian rất ngắn với sự chi viện của Trung ương đã lớn lên vượt bậc về số lượng đảng viên, về đội ngũ cán bộ, về khối lượng công tác, về nội dung công tác, mà tỏ rõ nhất trí rất cao không những về đường lối, phương hướng nhiệm vụ cách mạng mà cả về chủ trương và biện pháp cụ thể. Đó cũng là một thắng lợi rất lớn, một thuận lợi rất lớn”.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa I (1977-1980) đã bầu Ban Chấp hành gồm 49 ủy viên (trong đó có 4 dự khuyết).
Đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Bí thư Thành ủy.
Đồng chí Mai Chí Thọ (Năm Xuân), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND.
Đồng chí Trần Ngọc Ban (Mười Hương), Phó Bí thư Thành ủy.
Khi chưa diễn ra đại hội, từ ngày 30-4-1975 đến tháng 12-1976: Bí thư Thành ủy là đồng chí Nguyễn Văn Linh. Từ tháng 12-1976: Bí thư Thành ủy là đồng chí Võ Văn Kiệt.
Trong giai đoạn từ sau giải phóng đến khi kết thúc Đại hội 1 có các sự kiện quan trọng liên quan đến TPHCM, đều được Báo SGGP thông tin đậm nét và kịp thời.
Một số sự kiện nổi bật trong kỳ Đại hội này được phản ánh trên báo SGGP:

Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc: Diễn ra tại thành phố Sài Gòn - Gia Định từ ngày 15 đến 21-11-1975. Đọc diễn văn tại Hội nghị hiệp thương, đồng chí Trường Chinh xúc động bày tỏ: “Hôm nay, chúng ta họp Hội nghị Hiệp thương chính giữa hai miền để bàn về vấn đề thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là một vấn đề lớn quan hệ đến vận mệnh của Tổ quốc và tình cảm dân tộc của nhân dân ta”. Nội dung diễn văn được Báo SGGP đăng trang trọng trên trang 1 ngày 17-11-1975.


Ngày 21-1-1976 đã diễn ra sự kiện quan trọng đối với thành phố, là việc bàn giao giữa Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch và Ủy ban Nhân dân cách mạng Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch. Báo SGGP đã thông tin chi tiết về các sự kiện trên.


Sáng 28-3-1976, Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh thành phố tổ chức trọng thể Ngày hội thanh niên ra quân lao động sản xuất, với sự góp mặt của hơn 20.000 đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố.
Từ khi thành lập đến nay, Lực lượng TNXP TPHCM đã có hàng ngàn TNXP TP tình nguyện tham gia các công trình trọng điểm của thành phố, sẵn sàng tham gia phục vụ chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Từ những phong trào, hoạt động đầu tiên ấy đã đặt nền móng, làm tiền đề cho hoạt động của thanh thiếu niên thành phố những năm sau này, góp phần giáo dục rèn luyện bản lĩnh thanh niên, xây dựng con người mới, kế tục xứng đáng và phát huy thành quả của công tác Đoàn và phong trào thanh niên thành phố.


Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa VI ngày 2-7-1976 thông qua Nghị quyết chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Báo SGGP ngày 4-7-1976 thông tin chi tiết về nội dung quan trọng này.
“NGHỊ QUYẾT của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IV, kỳ họp thứ nhất về việc chính thức đặt tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Xét rằng nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô danh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người;
Xét rằng, trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, ngày 2 tháng 7 năm 1976”.
Dịp này, Quốc hội cũng có nghị quyết về tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ có nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; Quốc huy hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Thủ đô là Hà Nội; Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

Cũng trong dịp này, Báo SGGP ngày 7-3-1976 đăng phụ bản tấm “Bản đồ nước Việt Nam thống nhất” gồm 35 tỉnh và 3 thành phố (TPHCM, Hà Nội và Hải Phòng).
Gần nửa thế kỷ qua, đất nước ta có những những lần đổi thay tách - nhập địa giới hành chính, dường như tấm bản đồ ngày ấy vẫn còn những giá trị lịch sử trong đợt sắp xếp lại địa giới hành chính tỉnh, thành hiện nay.
