Dự Đại hội có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội; Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Dương Ngọc Hải cho biết, Đại hội là biểu tượng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
Trong phiên thứ nhất, đại biểu dự Đại hội đã phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp cho Văn kiện chính trị của Đại hội bằng tất cả tình cảm, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Qua đó, thể hiện mong muốn Văn kiện sẽ sớm đi vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số một cách thiết thực và hiệu quả.
Đóng góp cho sự phát triển của thành phố
Báo cáo tại Đại hội, Trưởng Ban Dân tộc TPHCM Huỳnh Văn Hồng Ngọc cho biết, TPHCM hiện có 53 dân tộc thiểu số sinh sống với hơn 468.000 nhân khẩu, chiếm 5,2% dân số toàn thành phố.
Những năm qua, TPHCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số như miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TPHCM luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái thi đua lao động trong các hoạt động kinh tế, sản xuất, văn hóa, du lịch… Thành phố có gần 1.200 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổng số đảng viên người dân tộc thiểu số thuộc Đảng bộ TPHCM là hơn 2.700 đảng viên.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Hầu A Lềnh ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tựu đạt được trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tại TPHCM trong những năm qua.
Thời gian tới, đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị TPHCM tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng cán bộ công tác dân tộc, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển của đồng bào. Qua đó, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng TPHCM ngày càng phát triển.
Phát huy vai trò, trí tuệ, uy tín, kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số
Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Nguyễn Phước Lộc trân trọng ghi nhận thành tích, biểu dương và cảm ơn đồng bào dân tộc thiểu số thành phố đã ra sức thi đua, xây dựng địa phương và TPHCM ngày càng phát triển. Đồng thời, biểu dương 250 đại biểu ưu tú là đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên mọi lĩnh vực công tác, mọi mặt đời sống xã hội về dự Đại hội.
Theo đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đặc biệt quan tâm, luôn xác định công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược cơ bản, lâu dài, quan trọng đối với sự nghiệp phát triển bền vững của thành phố. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị TPHCM.
Trong những năm qua, các chính sách về công tác dân tộc đặt trong tổng thể quá trình phát triển của thành phố; đảm bảo phù hợp với đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đặc thù của từng dân tộc.
Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Phước Lộc đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, sát với điều kiện thực tiễn để triển khai công tác dân tộc trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tuyên truyền sâu sắc đến người dân về mục tiêu phát triển thành phố theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố phát huy vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy ở cơ sở cần quan tâm, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số có năng lực, uy tín, tâm huyết, kinh nghiệm tham gia vào cấp ủy và Ban Chấp hành, các tổ chức chính trị - xã hội.
Ngoài ra, xem việc thông tin chính xác, kịp thời về tình hình phát triển của đất nước, của thành phố, về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái… trong đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những điểm tựa vững chắc cho xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc bày tỏ tin tưởng, đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, giúp đỡ, đồng thuận thực hiện mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của thành phố. Đặc biệt là giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, chống mê tín dị đoan, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với sự phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
TPHCM cũng kỳ vọng 250 đại biểu ưu tú về dự Đại hội sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần đoàn kết, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số để cùng với thành phố thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư của Đại hội và các nhiệm vụ chính trị đề ra. Đồng chí Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh, trong mỗi bước phát triển của địa phương, của TPHCM đều có sự tham gia của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Dịp này, 1 tập thể nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 tập thể, 5 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 32 tập thể, 68 cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM; 5 cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển các dân tộc”.