Hạn chế về năng lực nghiên cứu
Tạp chí THE xếp hạng theo 13 tiêu chí, được phân ra 5 nhóm với tổng định lượng là 100%. Phần đánh giá về giảng dạy chiếm tỷ lệ 30%, nghiên cứu 30%, trích dẫn 30%, hội nhập quốc tế 7,5%, chuyển giao kiến thức và công nghệ 2,5%.
Theo TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Tôn Đức Thắng, mỗi tổ chức xếp hạng có bộ tiêu chí riêng. Trong số đó, tiêu chí nghiên cứu khoa học (NCKH) được tất cả các hệ thống quan tâm, dù mức độ ghi nhận thì có khác nhau. Tiêu chí NCKH có thể được đánh giá khách quan dựa trên các cơ sở dữ liệu lớn của thế giới như ISI của Mỹ hay Scopus của Hà Lan. Tuy nhiên, nhìn vào những tiêu chí của THE thì các trường ĐH của Việt Nam rất khó đạt được. Điểm yếu của các ĐH Việt Nam là NCKH, giảng viên quốc tế và sinh viên quốc tế.
GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc), viện dẫn số liệu công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 để minh họa sự tăng trưởng rất chậm về năng lực NCKH của ĐH Việt Nam. Cụ thể, thống kê của Web of Science (Cơ sở dữ liệu khoa học cung cấp thông tin về danh mục tạp chí uy tín thế giới) giai đoạn 2011-2016, Việt Nam có hơn 15.000 công bố thuộc danh mục ISI hoặc Scopus, tỷ lệ tăng trưởng đạt 17%/năm (từ 1.461 bài báo lên 3.814 bài báo). Trong khi đó, Thái Lan có số công bố gấp gần 3 lần Việt Nam, Malaysia gấp 4 lần, Singapore gấp gần 5 lần. Ước tính đến năm 2030, số bài báo khoa học của Việt Nam cũng chỉ bằng Singapore hiện tại, đến năm 2025 Việt Nam bằng Thái Lan năm 2016. Tức là, Việt Nam tụt hậu 10 năm so với Thái Lan và 15 năm so với Singapore về công bố ISI.
Phải thay đổi
Để thực hiện mục tiêu lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế, TS Lê Văn Út đề nghị cần đánh giá lại các ĐH Việt Nam có được phát triển theo đúng nghĩa ĐH hay chưa, nếu chưa thì không nên đặt mục tiêu cụ thể. Theo ông, cơ sở ĐH phải đạt các điều kiện như: chọn lọc được đội ngũ các nhà khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy và họ phải làm việc hiệu quả, được trả lương xứng đáng, tránh cào bằng. Đây là yếu tố quyết định. Kế đến là phải mở cửa các ĐH theo nghĩa thu hút được chuyên gia khắp thế giới về làm việc. Quan trọng hơn là phải có tiền và tiền phải được đầu tư hiệu quả. Nhà nước phải có chính sách đầu tư cho các ĐH phù hợp để họ có thể phát triển, nhưng phải yêu cầu hiệu quả hoạt động và phải có khả năng giám sát hiệu quả hoạt động của các ĐH.
Không chỉ ít về số lượng, mà chất lượng các công bố của Việt Nam (thông qua chỉ số trích dẫn) cũng kém hơn so với các nước ASEAN, nhất là Philippines và Singapore. Bên cạnh đó, một vấn đề nhiều nhà khoa học quan tâm là nghiên cứu Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào “ngoại lực”, tức là có tới 80% các công trình khoa học đứng tên chung, hoặc hợp tác với người nước ngoài.
Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, mục tiêu của trường là lọt vào tốp 100 của châu Á trong giai đoạn 2025-2030. Để thực hiện mục tiêu này, hệ thống các trường thành viên phải quyết liệt đẩy mạnh NCKH với kết quả là công bố quốc tế ISI, chuyển giao công nghệ, bằng sáng chế Mỹ. ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tăng đầu tư, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và có những cơ chế đặc thù.
Tuy chúng ta không bằng mọi giá chạy theo các tổ chức xếp hạng, nhưng từ các tiêu chí xếp hạng, ĐH Việt Nam cần nhìn ra những vấn đề quan trọng của giáo dục ĐH được thế giới công nhận để đầu tư, thay đổi nội tại. Khi đó, mục tiêu có tên trong các tổ chức xếp hạng ĐH uy tín của quốc tế không phải là bất khả thi.