Đại học Quốc gia TPHCM: Tiên phong trong công tác kiểm định chất lượng

Trong các chiến lược phát triển, ĐH Quốc gia TPHCM luôn xác định chính sách về chất lượng là ưu tiên hàng đầu, được lồng ghép xuyên suốt trong mọi hoạt động và nhiệm vụ công tác. 

Định hướng phát triển công tác đảm bảo chất lượng, ĐH Quốc gia TPHCM coi vấn đề cải tiến liên tục là nội dung cốt lõi, là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Việc triển khai hiệu quả các hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng (KĐCL) đã góp phần tạo tiền đề và nền tảng vững chắc để ĐH Quốc gia TPHCM dẫn đầu về công tác KĐCL cũng như tham gia xếp hạng đại học quốc tế.

Hội nhập kiểm định quốc tế

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), là thành viên chính thức của AUN (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) từ năm 1999, ĐH Quốc gia TPHCM đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong phong trào đảm bảo chất lượng chung của khu vực, tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn của AUN như xây dựng tài liệu đảm bảo chất lượng, tham gia khóa đào tạo kiểm định viên, tham gia hệ thống chuyển đổi tín chỉ ACTS…

Trong đó, công tác đánh giá chất lượng cấp chương trình được ĐH Quốc gia TPHCM đặc biệt quan tâm. Đây là hình thức mà AUN sử dụng để nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các thành viên trong khu vực, cũng như với các đối tác trên thế giới, từng bước thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khối. 

 Đại học Quốc gia TPHCM: Tiên phong trong công tác kiểm định chất lượng ảnh 1 ĐH Quốc gia TPHCM đăng cai tổ chức hội nghị công tác kiểm định của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á

Bộ tiêu chuẩn AUN-QA không tập trung vào đặc trưng riêng của chuyên ngành mà chú trọng đánh giá điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo của chương trình, đó là chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, giảng viên, sinh viên, cơ sở vật chất, sự hài lòng của các bên liên quan. Sinh viên là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động đánh giá này, bởi được học tập trong một môi trường cải tiến liên tục và đảm bảo chất lượng. Kết quả kiểm định AUN như một sự khẳng định với xã hội về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình, tạo cơ sở cho các trường tham gia chuyển đổi tín chỉ và trao đổi sinh viên trong khu vực Đông Nam Á.

ĐH Quốc gia TPHCM cũng tiên phong và đạt những thành quả đáng ghi nhận trong công tác đảm bảo và KĐCL như: vận hành xuyên suốt hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong từ cấp ĐH Quốc gia TPHCM đến cấp trường thành viên, triển khai áp dụng nguyên lý CDIO (hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành) trong đổi mới công nghệ đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ, áp dụng công cụ kiểm soát và quản lý chất lượng… Đến nay, cả 7 trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM được đánh giá và công nhận đạt chuẩn KĐCL trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Trường ĐH Bách khoa đạt chuẩn của Pháp và Trường ĐH Quốc tế đạt chuẩn của AUN-QA.

Khẳng định chất lượng quốc tế  

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, những kết quả đạt được thời gian qua là do sự cam kết và tạo mọi điều kiện từ cấp lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM đến các đơn vị thành viên, sự đồng thuận của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên, đội ngũ hỗ trợ, vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

ĐH Quốc gia TPHCM tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ, kết nối các đơn vị trong công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy tối đa thế mạnh, tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị, góp phần phát triển hệ thống và hoàn thiện mô hình tổ hợp ĐH Quốc gia TPHCM trên cơ sở của tự chủ đại học gắn với trách nhiệm.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chất lượng là vấn đề sống còn của đại học trong bối cảnh hội nhập với khu vực và quốc tế. Chất lượng giáo dục đại học không thể nói suông mà phải có minh chứng. Và muốn minh chứng, từ chương trình đào tạo đến cơ sở đào tạo phải đạt chuẩn chất lượng trong nước, khu vực và quốc tế. Muốn có uy tín trên trường quốc tế đương nhiên phải tham gia các tổ chức xếp hạng quốc tế để khẳng định vị thế, biết được mình có điểm mạnh, điểm yếu nào để tiếp tục phát huy và cải tiến. 

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, với chủ trương tăng cường hợp tác, chủ động hội nhập, nâng cao hình ảnh và vị thế của ĐH Quốc gia TPHCM trong nước và quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM xác định việc tham gia xếp hạng đại học là nhiệm vụ quan trọng với nhiều mục tiêu chiến lược. Ngoài ra, việc tham gia vào một “sân chơi lớn” và đẳng cấp thế giới góp phần khẳng định vai trò tiên phong của đơn vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam, khẳng định uy tín, chất lượng giáo dục trong khu vực và quốc tế.

Năm 2018, lần đầu tiên, 2 đại học của Việt Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) lọt vào tốp 1.000 trên bảng xếp hạng đại học thế giới (QS World University Rankings). Sang năm 2019, lần đầu tiên, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM được bảng xếp hạng đại học uy tín nhất của thế giới (THE - Times, Higher Education xếp vào tốp 801-1.000).

Và đến nay, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM luôn chiếm vị trí cao nhất trên các bảng xếp hạng uy tín của thế giới. 

Về xếp hạng chương trình, nhiều chương trình đào tạo của ĐH Quốc gia TPHCM chiếm vị trí cao nhất trên các bảng xếp hạng uy tín của thế giới. Năm 2022, theo đánh giá của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) - Vương quốc Anh từ 1.543 cơ sở giáo dục đại học thế giới với khoảng 14.000 chương trình đào tạo, ngành kỹ thuật dầu khí của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) xếp vào tốp 51-100 của châu Á.

Năm 2021, theo kết quả của THE, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM xếp trong tốp 601-800 về lĩnh vực khoa học cơ bản. Nhóm ngành khoa học sự sống và khoa học tự nhiên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng giữ thứ hạng cao trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục