Thông qua việc tăng cường liên thông, liên kết, chương trình nhằm tận dụng thế mạnh liên ngành trong công tác đào tạo tại các trường ĐH thành viên, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Thực tế cho thấy, Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đặt ra cho ngành giáo dục phải tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đủ đức, đủ tài để phục vụ sự phát triển chung của đất nước. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định con người là trung tâm của sự phát triển và kiên định phát triển con người Việt Nam toàn diện: “Coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”, đồng thời “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế”.
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, ĐH Quốc gia TPHCM đã mạnh dạn thí điểm đào tạo chương trình song ngành nhằm tạo thuận lợi và đáp ứng nhu cầu học tập của người học. Chương trình đào tạo song ngành tại ĐH Quốc gia TPHCM là phương thức kết nối và tổ chức học cùng lúc 2 chương trình thuộc 2 ngành đào tạo khác nhau giữa các trường ĐH thành viên trên cơ sở đảm bảo chuẩn đầu ra của người học sau khi tốt nghiệp cả hai chương trình và phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam hiện hành.
Chương trình đào tạo song ngành gồm 2 phần: ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, ngành thứ hai có khối lượng kiến thức tối thiểu 30 tín chỉ, tối đa 80 tín chỉ và tổng khối lượng kiến thức (gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa 2 chương trình) phù hợp với quy định hiện hành. Việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ phải đảm bảo kết quả đối sánh chuẩn đầu ra môn học/nhóm môn học, chương trình đào tạo. Khối kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức bổ trợ, thực tập, khóa luận/luận văn tốt nghiệp có thể được xem xét công nhận chuyển đổi giữa các chương trình đào tạo.
Hiện chương trình đào tạo song ngành tại ĐH Quốc gia TPHCM đã tổ chức triển khai tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Kinh tế - Luật với số lượng các ngành/chương trình như sau: Trường ĐH Kinh tế Luật có các ngành: Kinh tế quốc tế (chương trình Kinh tế đối ngoại), Quản trị kinh doanh (chương trình Quản trị kinh doanh), Luật kinh tế (chương trình Luật kinh doanh); Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn gồm các ngành: Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Báo chí, Quản trị du lịch và lữ hành, Tâm lý học.
Để theo học chương trình này, sinh viên sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập ngành thứ nhất. Điều kiện xét tuyển là sinh viên ĐH chính quy đang học tại các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM được đăng ký học thêm chương trình đào tạo thứ hai nếu đồng thời thỏa mãn các điều kiện như: ngành thứ hai phải khác ngành thứ nhất; đã hoàn thành năm đầu tiên của chương trình đào tạo ngành thứ nhất và xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên.
Sau 3 năm triển khai, công tác tổ chức tuyển sinh và đào tạo song ngành tại ĐH Quốc gia TPHCM đã đạt được những kết quả bước đầu, đáp ứng phần nào nhu cầu của sinh viên trong bối cảnh thay đổi liên tục của khoa học công nghệ dẫn đến xu hướng liên ngành, liên lĩnh vực trong nhu cầu từ thị trường lao động. Dự kiến năm 2023, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ triển khai thêm ít nhất 5 chương trình đào tạo song ngành nhằm mở rộng phạm vi, quy mô và tăng cường hiệu quả hoạt động liên thông, liên kết chương trình đào tạo trong toàn hệ thống. Đồng thời, hình thành cổng thông tin kết nối và hỗ trợ đào tạo song ngành giữa các đơn vị thành viên nhằm cung cấp đồng bộ một nền tảng chung trong hoạt động đào tạo song ngành.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của đất nước, sự phát triển đột phá của khoa học kỹ thuật đã làm nảy sinh từ thị trường lao động những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực về chất lượng, kiến thức liên ngành, đa ngành và khả năng thích ứng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với phương thức đào tạo kết hợp (trực tuyến và trực tiếp), góp phần tạo điều kiện giúp người học linh hoạt tham gia chương trình. Do đó, đào tạo song ngành sẽ là xu thế tất yếu không chỉ với ĐH Quốc gia TPHCM mà còn đối với giáo dục đại học tại Việt Nam trong việc triển khai các chương trình đào tạo.