![Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/amnsoedrky/2025_02_13/xhh-8a-9442-3258.jpg.webp)
Được xếp vào tốp thế giới
Theo bảng xếp hạng của QS công bố mới đây, năm 2024, ĐHQG TPHCM có 8 ngành được xếp vào tốp 500 thế giới, gồm: Kỹ thuật dầu khí; Toán; Kỹ thuật Điện-Điện tử; Kỹ thuật hóa học; Nông lâm; Kinh tế học và Kinh tế lượng; Khoa học môi trường; Khoa học máy tính. 3 ngành còn lại là Kinh doanh và khoa học quản lý thuộc tốp 501-550; Hóa học vào tốp 601-650; Vật lý và không gian đạt tốp 601-640.
Với những bước tiến vượt trội trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, ĐHQG TPHCM hiện giữ vị trí tốp 901-950 đại học xuất sắc nhất thế giới theo Bảng xếp hạng đại học thế giới QS World 2025. Trong đó, danh tiếng với nhà tuyển dụng hạng 389; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hạng 466; danh tiếng với đồng cấp học thuật hạng 481.
Xét chung với hệ thống đại học trong nước về chương trình đào tạo, ĐHQG TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước với 154 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Cụ thể: có 92 chương trình đạt chuẩn kiểm định của tổ chức kiểm định thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA); 38 chương trình đạt chuẩn của Hiệp hội Kiểm định chất lượng đại học châu Âu (ASIIN); 13 chương trình đạt chuẩn của Tổ chức đảm bảo chất lượng của Chính phủ Thụy Sĩ (FIBAA); 13 chương trình đạt chuẩn của tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hội đồng Kiểm định CHLB Đức (AQAS); 7 chương trình đạt chuẩn của Hội đồng Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Mỹ (ABET) và 13 chương trình đạt chuẩn quốc tế khác. Qua đánh giá xếp hạng 54 ngành học thuộc 5 lĩnh vực của gần 1.600 cơ sở giáo dục đại học thế giới (với hơn 18.300 chương trình đào tạo, do tổ chức QS thực hiện), ĐHQG TPHCM đã đạt vị trí thứ 167 các đại học xuất sắc nhất châu Á năm 2023.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM), chất lượng giáo dục là ưu tiên hàng đầu của ĐHQG TPHCM và công tác đảm bảo chất lượng được duy trì, cải tiến liên tục. Nhờ đó, số lượng chương trình đạt chuẩn quốc tế có xu hướng gia tăng nhanh. Trong gần 4 năm (từ 2020 đến tháng 10-2024), có 85 chương trình đạt chuẩn kiểm định, vượt giai đoạn 10 năm trước đó cộng lại với 68 chương trình.
Nỗ lực nâng cao vị thế quốc tế
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM triển khai “Đề án VNU 100” nhằm khẳng định hình ảnh và vị thế trên trường quốc tế. Đề án có 3 mục tiêu trọng tâm: nâng cao hình ảnh, vị thế của ĐHQG TPHCM thông qua marketing và quảng bá trên phương tiện truyền thông trong, ngoài nước; nâng cao thứ hạng về danh tiếng học thuật và danh tiếng với nhà tuyển dụng; nâng cao hiệu quả quản lý công tác xếp hạng đại học trong toàn hệ thống. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, “Đề án VNU 100” được xác định là đề án nâng cao vị thế và khả năng hội nhập quốc tế của ĐHQG TPHCM thông qua hoạt động xếp hạng đại học.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, kết quả xếp hạng của Tổ chức QS World 2024 đã thể hiện ĐHQG TPHCM đạt 3 tiêu chí thứ hạng tốt, gồm: danh tiếng với nhà tuyển dụng (hạng 366); tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (hạng 386); danh tiếng với đồng cấp học thuật (hạng 524). Đây là 3 tiêu chí ĐHQG TPHCM đang dẫn đầu trong các đại học tại Việt Nam.
Hiện nay, số lượng các viện đào tạo và trường đại học tốt, danh tiếng của thế giới tham gia Bảng xếp hạng QS World 2024 tiếp tục tăng. “ĐHQG TPHCM duy trì thứ hạng nhóm 37% đại học xuất sắc nhất thế giới cho thấy nỗ lực của toàn hệ thống trong công tác đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng. Kết quả tuyệt đối của các chỉ số đánh giá chính của ĐHQG TPHCM liên tục tăng những năm gần đây. Tuy nhiên, so sánh tương đối với mặt bằng chung của các trường đại học trên thế giới thì các kết quả này đều có xu hướng giảm, dẫn đến sự giảm thứ hạng của ĐHQG TPHCM. Để cải thiện thứ hạng, ngoài nỗ lực, ĐHQG TPHCM cần nhận được sự đầu tư và hỗ trợ hiệu quả hơn về cả nguồn lực lẫn chính sách”, TS Nguyễn Quốc Chính chia sẻ. Các chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận, việc ngày càng có nhiều ngành, nhóm ngành nằm trong tốp bảng xếp hạng thế giới giúp ĐHQG TPHCM nâng cao hình ảnh và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
* PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐHQG TPHCM:
Trở thành hệ thống đại học nghiên cứu tốp đầu châu Á
ĐHQG TPHCM đang theo đuổi các giá trị hướng đến sự xuất sắc. Để đáp ứng yêu cầu đó, việc duy trì và cam kết thực hiện các chính sách về chất lượng đào tạo chính là nền tảng cần thiết giúp ĐHQG TPHCM hội nhập và phát triển bền vững. Chất lượng không thể nói suông mà phải được minh chứng cụ thể thông qua kiểm định quốc tế và được thế giới công nhận. Với chính sách chất lượng là ưu tiên hàng đầu, năm 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục ghi nhận sự gia tăng thứ bậc trong các bảng xếp hạng thế giới, như: tăng 36 bậc trên Bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asia) năm 2025; tăng 1 bậc trên Bảng xếp hạng đại học thế giới (QS World) năm 2025; có thêm 5 ngành, lĩnh vực được xếp hạng trên bảng xếp hạng của thế giới; một số ngành học được xếp hạng tốp 100, 150 của thế giới. Trong đó, các tiêu chí liên quan đến sự hài lòng của các bên liên quan như “Danh tiếng với đồng cấp học thuật” và “Danh tiếng với nhà tuyển dụng” là các tiêu chí ĐHQG TPHCM luôn dẫn đầu. Năm 2024 cũng là năm ĐHQG TPHCM đạt mốc 3.000 bài báo công bố quốc tế, bội thu về giải thưởng khoa học và công nghệ, khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và đổi mới sáng tạo với kinh phí đầu tư 700 tỷ đồng...
Trong năm 2025, ĐHQG TPHCM tiếp tục đổi mới quản trị đại học theo hướng tinh gọn, hiện đại và đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu phát triển đất nước, hội nhập với khu vực và thế giới, phù hợp với chiến lược phát triển của ĐHQG TPHCM.
* PGS-TS LÂM QUANG VINH, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ (ĐHQG TPHCM):
Tiên phong trong đổi mới giáo dục
Trong suốt hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG TPHCM đã khẳng định vai trò tiên phong trong đổi mới giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Năm 2024, ĐHQG TPHCM đã ký kết 71 văn bản hợp tác mới với các địa phương và doanh nghiệp, thể hiện vai trò chủ động trong kết nối, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, chương trình hợp tác với TPHCM gồm 42 nhiệm vụ (58 nội dung hoạt động) đáp ứng các yêu cầu thiết yếu trong quá trình hội nhập và phát triển của thành phố. Hai bên đã và đang phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như triển khai các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ cao của TPHCM tại ĐHQG TPHCM, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế và cải cách hành chính, hỗ trợ phát triển hạ tầng Khu đô thị ĐHQG TPHCM. Đồng thời nghiên cứu thực hiện các chương trình tín dụng cho sinh viên, phối hợp thực hiện các đánh giá chuyên sâu về kinh tế vĩ mô của thành phố. Trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ĐHQG TPHCM đã triển khai 14 chương trình đào tạo cấp bằng và hơn 50 khóa tập huấn ngắn hạn, phục vụ nhu cầu nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức tại nhiều địa phương như TPHCM, Bến Tre, An Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Đồng Nai. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng mềm và khởi nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực địa phương. Về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, ĐHQG TPHCM đã phối hợp các địa phương triển khai hơn 70 nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và bảo tồn di sản văn hóa. Trên hành trình hướng đến tương lai, ĐHQG TPHCM cam kết tiếp tục hỗ trợ cộng đồng, đồng hành cùng các địa phương để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của Việt Nam.