Tại các điểm thi ở TPHCM, số thí sinh dự thi tăng kỷ lục, như tại điểm thi Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (điểm thi số 18 và 19) có 2.190 thí sinh dự thi, tại điểm thi Trường Đại học Quốc tế có 1.621 thí sinh dự thi. Tuy nhiên có nhiều thí sinh đã đến địa điểm thi nhưng không được dự thi vì quên mang theo giấy tờ.
Đánh giá về đề thi năm nay, thí sinh Trần Thanh Ngọc (Trường THPT Lê Thị Pha, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết: “Các câu hỏi của đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, một số câu hỏi có phần kiến thức lớp 10 và lớp 11. Ở phần ngôn ngữ điểm tối đa là 400 điểm, em làm được 70%. Phần toán học, tư duy logic hơi khó vì phải vận dụng nhiều kiến thức, em làm được khoảng 60%. Ở phần giải quyết vấn đề, một số câu hỏi mang tính tổng hợp và một phần kiến thức lớp 11, em hoàn thành khoảng 70%. Đề thi có điểm tối đa là 1.200 điểm, em dự đoán mình đạt từ 650-700 điểm”.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM), những trường hợp không được vào phòng thi ngày 26-3 là do các em không nắm quy chế thi. Theo quy định của Hội đồng thi đánh giá năng lực năm nay, khi đi thi, thí sinh bắt buộc phải mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân theo quy định ghi trong giấy báo dự thi, gồm: giấy CMND hoặc thẻ CCCD, hộ chiếu. Trường hợp thí sinh không có các giấy tờ tùy thân nêu trên do thông tin cá nhân bị sai và đang trong quá trình điều chỉnh cấp lại thì thí sinh phải thông báo với hội đồng thi và được đồng ý cho dự thi. Khi đó, thí sinh khi đi thi phải mang theo và xuất trình các loại giấy tờ có chữ ký, đóng dấu mộc đỏ từ cơ quan công an địa phương như: giấy xác nhận nhân thân hoặc các giấy tờ hợp pháp khác do công an phường/xã cấp (có dán ảnh, đóng dấu giáp lai), giấy xác nhận hủy thẻ CCCD/đổi mã định danh do sai thông tin. Tuy nhiên, các em không được thi hoặc bỏ thi đợt 1 vẫn còn cơ hội để tham gia kỳ thi này ở đợt 2 được tổ chức vào tháng 5.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết, đề thi năm nay có 120 câu hỏi trắc nghiệm và thí sinh làm bài trong 150 phút. Điểm số tối đa của bài thi 1.200 điểm. Trong đó, điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm. Phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm. Còn lại phần giải quyết vấn đề là 500 điểm. Hội đồng chấm thi sẽ chấm thi từ ngày 27-3 và hoàn thành vào ngày 4-4. Trong ngày 4-4, hội đồng thi công bố kết quả thi. Sau đó, thí sinh bắt đầu đăng ký thi đợt 2 và sẽ thi vào ngày 8-5.
Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) Nguyễn Quốc Chính khẳng định điểm thi sẽ không có nhiều đột biến so với năm 2022. Cấu trúc đề thi cũng đã được tính toán nhằm đánh giá đúng năng lực của thí sinh để các trường làm cơ sở xét tuyển đại học.