Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đã dự lễ, đánh trống khai khóa; đồng thời nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên, cán bộ lãnh đạo của ĐHQG TPHCM về chủ đề “Vai trò của ĐH đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.
Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của ĐHQG TPHCM ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã lắng nghe những khó khăn, đề xuất của trường, cũng như gợi ý các giải pháp phát triển kinh tế của ĐH.
Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM, trường hiện đang gặp các vướng mắc về cơ chế trong thu hút đầu tư. Đơn cử như một số doanh nghiệp muốn đầu tư các công trình trong khu đô thị ĐH nhưng không được do vướng quy định. Cùng với đó là nạn “chảy máu” chất xám ngày càng nặng, từ trường công sang tư.
Tại ĐHQG TPHCM, tình trạng này xảy ra ngay trong lực lượng cán bộ trẻ. Một phần cũng do thiếu nguồn lực hỗ trợ tương xứng. Trong khi đó, PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, kiến nghị Chính phủ có những chương trình cụ thể, lâu dài để đầu tư phát triển mạnh hơn cho kỹ thuật, công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa; hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Trao đổi về vấn đề đầu tư cho trường ĐH, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, nguồn đầu tư chính là từ ngân sách và từ xã hội. Ngân sách có hạn, nên thay vì đầu tư bằng tiền thì cần phải đầu tư bằng cơ chế chính sách. Cơ chế không phải là tiền nhưng sẽ tạo ra tiền. Tất nhiên cơ chế gắn với hiệu quả, làm mọi thứ phải vận động và thay đổi.
Về chủ trương xã hội hóa, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá quá trình này đang diễn ra quá chậm. Tuy nhiên, trong khuôn khổ quy định hiện hành, các trường cần phải năng động hơn, đó là phải gắn kết nghiên cứu khoa học với đời sống, làm tốt các đơn đặt hàng từ bên ngoài để tăng nguồn thu.