Về chủ trương xây dựng mô hình đại học đẳng cấp quốc tế

Đại học Quốc gia TPHCM làm gì?

Đại học Quốc gia TPHCM làm gì?

Thời gian gần đây, ngành giáo dục đại học và dư luận xã hội quan tâm chủ trương của Chính phủ xây dựng đại học (ĐH) đẳng cấp quốc tế. ĐH Quốc Gia (QG) TPHCM - một trong hai ĐH lớn nhất của cả nước, được Chính phủ đầu tư lớn về cơ sở vật chất cũng như con người - với mục tiêu làm đầu tàu cho hệ thống ĐH trong nước và vươn lên đẳng cấp quốc tế, lại rất im lìm trước sự kiện trên(!?).

Tại sao ĐHQG TPHCM không được dư luận xã hội quan tâm đến như chính trọng trách đã được giao? Chúng tôi trao đổi với PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Giám đốc ĐHQG TPHCM.

  • Kiên trì nhiệm vụ được giao

- Phóng viên: Thưa ông, vì sao ĐHQG TPHCM lại tỏ ra “im lặng” trước chủ trương lớn như thế?

- PGS-TS Nguyễn Tấn Phát
: Đúng là trong đề án “Đổi mới giáo dục” có xuất hiện cụm từ “lập 1-2 trường có đẳng cấp quốc tế”. Tôi ngạc nhiên hỏi nhiều nơi: ĐHQG TPHCM có nằm trong dự án đó không - thì mỗi người trả lời một cách! Chủ trương chung là muốn nhanh chóng có những trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế, cỡ như ĐHQG Singapore, ĐH Chulalongkorn ở Thái Lan...

Đại học Quốc gia TPHCM làm gì? ảnh 1

Sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên thực tập trong phòng thí nghiệm hóa.
 Ảnh: MAI HẢI

- Thưa, ông là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chuyện này chẳng lẽ không được bàn bạc trong lãnh đạo Bộ GD-ĐT?

- Chính phủ đang xem xét giao cho đồng chí Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư) làm tổ trưởng tổ nghiên cứu việc lập mới hay trên cơ sở một ĐH nào đó, nâng lên thành ĐH đẳng cấp quốc tế.

- Tại sao không là lãnh đạo Bộ GD-ĐT phụ trách việc này? Ông “bình luận” gì về hiện tượng này?

- Theo tôi biết, lãnh đạo bộ có đề xuất ý tưởng, nhưng Chính phủ muốn có đề án có sức thuyết phục cao hơn.

- Thôi thì xin được trao đổi về chức năng vươn lên “đẳng cấp quốc tế” mà ĐHQG TPHCM đã được giao phó ngay từ ngày đầu thành lập vậy. Nhiệm vụ này chắc không có gì thay đổi?

- Dịp này, dù nhà nước có chỉ định hay không, trường chúng tôi vẫn kiên trì nhiệm vụ đã được giao.
Còn khoảng 1/3 giảng viên “cơm chấm cơm”

- Nói đến sự phát triển của một ĐH - điều quan tâm trước tiên - chắc hẳn ông cũng đồng tình với chúng tôi, đó là đội ngũ giảng viên (GV) và nghiên cứu của trường?

- Đứng về số lượng thì trong 5 năm qua, trường chúng tôi đã phát triển được gần gấp đôi lực lượng GV. Tức là từ 1.072 GV năm 2000, nay đã có gần 2.000 GV. Nhờ vậy chúng tôi đã giảm được từ 34 sinh viên (SV)/GV xuống còn khoảng 28 SV/GV và phấn đấu đến năm 2010 còn 20 SV/GV.

- Chất lượng đội ngũ ra sao?

- Chính vì yêu cầu phát triển nhanh đội ngũ, nên đa phần là lực lượng GV trẻ, gồm những SV xuất sắc được giữ lại trường để đào tạo nên cũng có tình trạng trình độ GV bị kéo xuống. Yêu cầu đề ra là phải có 80% GV có trình độ từ thạc sĩ trở lên, nay trường mới chỉ có khoảng 64% GV.

- Như vậy làm sao nói đến một chất lượng thực sự cho ĐHQG?

- Nói chung về số lượng GV vậy thôi, chứ hiện nay chúng tôi đang đưa khoảng 400 GV trẻ đi đào tạo sau ĐH tại nước ngoài. Vài năm nữa chúng tôi sẽ có được một đội ngũ GV trẻ, được đào tạo bài bản từ các trường lớn tại nước ngoài. Kế hoạch từ nay đến 2010 trường sẽ đưa tiếp khoảng 500 GV trẻ ra nước ngoài nâng cao trình độ. Dù sao ĐHQG TPHCM mới có 5 năm được tổ chức lại, đây là giai đoạn chúng tôi xây dựng nền móng để tạo sức bật cho tương lai.

Đại học Quốc gia TPHCM làm gì? ảnh 2

Sinh viên ở ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM đang ôn bài.

- Có nhiều ý kiến cho rằng: trường rơi vào tình trạng đào tạo theo kiểu “cơm chấm cơm” cũng vì trường tuyển cán bộ GV cũng theo hướng “cơm chấm cơm” , tức là quanh quẩn trong việc tuyển chính SV của trường làm công tác giảng dạy. Tại sao ĐHQG TPHCM không thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức các cuộc thi tuyển chọn GV như các ĐH nước ngoài thường làm. Có vậy mới tuyển được những GV trình độ cao về chung vai xây dựng trường?

- Chúng tôi đã có thông báo gửi các trường thành viên về việc tuyển GV công khai và rộng rãi. Sắp tới, ĐHQG TPHCM sẽ kết hợp với Ủy ban về Người VN tại nước ngoài TPHCM và Khu công nghệ cao TPHCM thành lập Trung tâm tiếp nhận kiều bào về nước tham gia giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu. Hy vọng đây cũng sẽ là nguồn bổ sung lực lượng GV cho trường.
Củng cố vai trò nòng cốt, chờ điều kiện vươn lên tầm quốc tế!

- Với diện tích đất là 643,7ha được Chính phủ giao, đến nay ĐHQG TPHCM đã giải tỏa được bao nhiêu?

- ĐHQG chúng tôi hiện đã thu hồi được 426,22ha (tỷ lệ 66,21% được giao). Và đã xây dựng được nhiều công trình lớn: tòa nhà trung tâm, thư viện điện tử trung tâm, khu công nghệ phần mềm, phòng thí nghiệm nano, 11 đơn nguyên ký túc xá… Hiện cũng đã đưa được 15.000 SV đến đây học tập. Nói chung đến giờ này, ĐHQG TPHCM cơ bản đã sử dụng hết vốn đầu tư là 500 tỷ đồng, trong đó hơn 70% để chi trả đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

- Chúng tôi được biết tổng kinh phí đầu tư của nhà nước dự tính cho ĐHQG TPHCM là 6.800 tỷ đồng, đến nay ĐHQG đã “xài” hết bao nhiêu?

- Đó là số tiền dự kiến chi đến năm 2020 khi hoàn tất dự án. Tuy nhiên đến nay, nhà nước mới rót cho chúng tôi 500 tỷ đồng và với những công trình đã được xây dựng thì giờ này trường chúng tôi đã cạn vốn. Ngoài ra chúng tôi còn 7 công trình nữa đang xây dựng, cần ít nhất gần 200 tỷ đồng và khoảng 400 tỷ đồng nữa để tiếp tục giải phóng mặt bằng. Với đà phát triển này, nếu được rót vốn kịp thời, có thể đến năm 2013, trường sẽ hoàn thành theo dự án mong muốn.

- Với quy mô đầu tư lớn như vậy, liệu ĐHQG TPHCM có thực sự trở thành trường tiên tiến trong khu vực vào năm 2013?

- Rất khó để trả lời câu này. Bởi ĐHQG Singapore mất cả trăm năm được đầu tư lớn với cơ chế rất thoáng nên mới được xếp thứ hạng cao như hiện nay. Chúng tôi có quyết tâm lớn, phấn đấu đến năm 2015 có 50% các lĩnh vực đào tạo tiếp cận trình độ quốc tế. Cái khó cơ bản không phải là cái “vỏ”, mà là cái “ruột”.

- Vậy thì, chúng ta còn thiếu điều gì nữa để khẳng định một thương hiệu ĐH Việt Nam trước quốc tế, ít ra là trong khu vực?

- Để thay đổi một tư duy quản lý, cần có một quá trình. Nói vậy, không có nghĩa là hiện nay, cái gì chúng ta cũng thua sút. Ngay thời điểm này, cũng có một bộ phận đào tạo đạt tầm khu vực. Đó là các lớp cử nhân chất lượng cao, cử nhân tài năng. Chất lượng đào tạo SV tại các lớp này được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

- Vì sao chúng ta không nhân rộng ra được?

- Ở các lớp này ưu tiên giảng viên giỏi, SV đương nhiên là giỏi, lớp ít SV, chỉ khoảng 30 SV/1ớp, ưu tiên trang thiết bị hiện đại và ngay cả người thầy cũng được hưởng chế độ chính sách ưu tiên. Nhân rộng những ưu tiên đó, chúng ta không đủ sức cả về nhân tài lẫn vật lực.

- Cứ với những khó khăn ông vừa nêu, bao giờ ĐHQG TPHCM khẳng định được thương hiệu của mình trên trường quốc tế?

- Chúng tôi tiếp tục xin cơ chế. Tôi cho rằng, đối với giáo dục, đổi mới tư duy quản lý là cơ bản nhất để giúp các trường tìm cơ hội vươn lên. Song, dù gì đi nữa, chiến lược của chúng tôi từ 2006 đến 2010 là củng cố vững chắc vai trò nòng cốt trong giới ĐH Việt Nam và cố gắng đẩy một bộ phận vươn lên tầm quốc tế.

- Xin cảm ơn ông. 

MAI LAN

Tin cùng chuyên mục