Đại học Quốc gia TPHCM: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nhân sự cho mục tiêu phát triển

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, về quản trị, ĐHQG TPHCM hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự với việc thành lập các đơn vị thành viên, trực thuộc mới; kiện toàn nhân sự ban giám đốc.

Đồng thời, ĐHQG TPHCM bước đầu triển khai hiệu quả Chương trình thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác.

Kiện toàn nhân sự ban giám đốc

Sáng 16-7, ĐHQG TPHCM tổ chức lễ công bố và trao các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM. Trước đó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 12-6-2024 về việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Mai giữ chức Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM; Quyết định số 536/QĐ-TTg ngày 19-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Trần Cao Vinh giữ chức Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM.

825.jpg
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN trao quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai

GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai, sinh năm 1974, quê Quảng Ngãi, tốt nghiệp ngành Hóa học Trường ĐH Tổng hợp (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên). Sau đó, bà lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa dược tại Trường ĐH Y Dược Toyama (Nhật Bản). Bà được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2014 và sau đó là Giáo sư vào năm 2021. Năm 2023, GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai được phong là Nhà giáo ưu tú. Trong 10 năm đầu sau tiến sĩ, bà chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam. Gần đây, nữ giáo sư tiếp tục triển khai một số nghiên cứu ứng dụng, hoàn thành 2 sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước. Tính đến nay, GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã có hơn 80 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Với nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã đoạt Giải thưởng sáng tạo TPHCM năm 2019; Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 dành cho nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống.

831.jpg
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN trao quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho PGS.TS Trần Cao Vinh

PGS-TS Trần Cao Vinh, sinh năm 1972, quê Trà Vinh, tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật lý Trường ĐH Tổng hợp (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) năm 1994. Sau đó, ông được giữ lại trường, làm trợ giảng tại Khoa Vật lý. Đến năm 1998, ông chính thức giảng dạy tại trường. Từ tháng 4-2007 đến nay, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao của trường. Ông lấy bằng Tiến sĩ Vật lý vào năm 2009 và đến tháng 1-2017, ông được công nhận Phó Giáo sư, là giảng viên cao cấp, Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật. PGS-TS Trần Cao Vinh có hơn 17 năm tham gia Ban Chấp hành Công đoàn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ở nhiều vị trí khác nhau: Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch và Chủ tịch.

Trong thời gian này, ông cũng tham gia công tác quản lý tại trường với nhiều chức vụ: Trưởng phòng Phòng Công tác chính trị, sau là Phòng Công tác sinh viên (2-2004 _ 11-2012), Trưởng phòng Phòng Đào tạo (từ năm 2012 – 2018). Từ tháng 7-2018 đến tháng 10-2020, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, từ tháng 10-2020 đến nay, ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường.

Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân tin tưởng PGS-TS Trần Cao Vinh và GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công, đồng thời cùng tập thể ĐHQG TPHCM đoàn kết, cùng nhau xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn đưa ĐHQG TPHCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.

Thêm một trường thành viên

Theo Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 3-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe là trường đại học thành viên của ĐHQG TPHCM.

Trường được thành lập trên cơ sở phát triển Khoa Y. Khoa Y ĐHQG TPHCM được thành lập vào năm 2009, là cơ sở đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe, theo mô hình trường học - bệnh viện, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hiện đang đào tạo sinh viên thuộc 5 ngành: Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và Điều dưỡng. Đối với bậc đào tạo sau đại học, chuyên khoa cấp 1, có 5 chuyên ngành gồm: Nội khoa, Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Nhi khoa và Tai Mũi Họng. Đối với bậc đào tạo Bác sĩ Nội trú, có 4 chuyên ngành gồm: Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Nhi khoa và Tai Mũi Họng.

DSC_0267_1.jpg
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN trao quyết định thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe cho PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, việc thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe nhằm theo kịp xu hướng của thế giới cũng như phát huy sức mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG TPHCM. Khoa học sức khỏe mang tính liên ngành rất cao, bao gồm các lĩnh vực như hóa sinh, hóa dược, sinh học phân tử, vi sinh, khoa học thần kinh, sinh lý học, tâm lý học, dinh dưỡng, dược lý, độc chất, khoa học thị giác, công nghệ y sinh.

Nói cách khác, Khoa học sức khỏe đào tạo ra những bác sĩ, dược sĩ có thể phát triển, đánh giá và thực hành các phương pháp điều trị mới cho các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người. Như vậy đào tạo ngành y, dược bây giờ cần được mở rộng hơn. Ngoài những tiết học chuyên sâu về y dược lâm sàng, những giờ thực hành trong bệnh viện để thực hành thì chương trình đào tạo bây giờ cần bao quát các kiến thức liên quan như hóa học, sinh học, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… để đáp ứng những yêu cầu mới, giải quyết những thách thức mới liên quan đến sức khỏe con người. Là hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQG TPHCM hội tụ đủ điều kiện để triển khai những chương trình đào tạo liên ngành như trên.

Trong khi đó, PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG TPHCM, người trực tiếp ký quyết định thành lập Khoa Y cũng cho rằng, khoa học sức khỏe liên kết với các ngành khoa học khác hiện có tạo thành một hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành và hoàn chỉnh trong ĐHQG TPHCM. Việc phát triển lĩnh vực khoa học sức khỏe sẽ kết nối các ngành mũi nhọn của ĐHQG TPHCM để nghiên cứu, phát triển các phương pháp mới, sản phẩm mới cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện nay, ĐHQG TPHCM có 10 cơ sở đào tạo gồm: 8 trường đại học thành viên (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH An Giang và Trường ĐH Khoa học Sức khỏe), Viện Môi trường và Tài nguyên, Phân hiệu ĐHQG TPHCM tại tỉnh Bến Tre. Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển ĐHQG TPHCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hoá Việt Nam, hiện ĐHQG TPHCM đang triển khai Chương trình VNU350 đặt mục tiêu đến năm 2030 tuyển dụng 350 nhà khoa học đầu ngành về công tác. Từ đầu năm đến nay, sau 2 đợt triển khai đã có gần 30 nhà khoa học nộp hồ sơ và được tuyển dụng.

Tin cùng chuyên mục