Đại học Quốc gia TPHCM đóng góp 53% nhân lực thiết kế vi mạch cho TPHCM

Chiều 22-2, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM tổ chức tọa đàm "Liên kết giữa đại học – địa phương – doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội", với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT, 15 địa phương cùng đại diện các doanh nghiệp.

Các khách mời tham gia trao đổi về hợp tác giữa đại học - doanh nghiệp - địa phương. Ảnh: THANH HÙNG
Các khách mời tham gia trao đổi về hợp tác giữa đại học - doanh nghiệp - địa phương. Ảnh: THANH HÙNG

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG TPHCM đã không ngừng mở rộng hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, đạt được những thành tựu đáng tự hào trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước.

TS Bùi Thị Hồng Hạnh, Trưởng ban Đối ngoại và phát triển dự án ĐHQG TPHCM báo cáo 30 năm phát triển của ĐHQG TPHCM.jpg
TS Bùi Thị Hồng Hạnh, Trưởng Ban Đối ngoại và phát triển dự án ĐHQG TPHCM báo cáo 30 năm phát triển của ĐHQG TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG

Cụ thể, ĐHQG TPHCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc đã ký kết 249 văn bản hợp tác với 31 tỉnh, thành phố và triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương, tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính: góp ý, tư vấn chính sách phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch và chiến lược phát triển; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; hợp tác triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm vi mạch của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) tại triển lãm .jpg
Gian hàng giới thiệu sản phẩm vi mạch của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) tại triển lãm. Ảnh: THANH HÙNG

Đối với doanh nghiệp, ĐHQG TPHCM đã hợp tác với hàng trăm tập đoàn lớn như Samsung, Intel, VinaCapital, Becamex IDC... Trong quá trình đào tạo, ĐHQG TPHCM cung cấp 20.000 nhân lực chất lượng cao mỗi năm cho TPHCM và khu vực phía Nam và đặc biệt đóng góp 53% nhân lực thiết kế vi mạch tại TPHCM. Giai đoạn 2020-2024, có 225 dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được triển khai thực hiện, tập trung vào lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, tự động hóa,...

Điểm nhấn quan trọng trong hoạt động hợp tác giữa ĐHQG TPHCM và các doanh nghiệp là sự ra đời Quỹ Phát triển ĐHQG TPHCM. Đây là mô hình quỹ giáo dục với quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và phát triển. Đến nay, quỹ đã vận động được gần 400 tỷ đồng cho các hoạt động chăm sóc học sinh, sinh viên, hỗ trợ công tác đào tạo, khoa học công nghệ.

Trong phần đối thoại giữa 3 nhà đại học – địa phương – doanh nghiệp, các đại biểu tập trung đánh giá và phân tích những hiện trạng và thách thức cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hợp tác nhằm thúc đẩy tính hiệu quả của quá trình hợp tác.

Trong khuôn khổ chương trình, ĐHQG TPHCM còn tổ chức chương trình học bổng sinh viên và tri ân đối tác, triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp. Dịp này, các đơn vị đã trao hơn 1,83 tỷ đồng cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh viên vượt khó học giỏi của ĐHQG TPHCM.

Tin cùng chuyên mục