Đại học Quốc gia TPHCM: Đẩy mạnh chuyển giao các nghiên cứu ứng dụng

Sau hơn 20 năm hỗ trợ, hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đã chuyển giao những giá trị, thành quả của mình cho xã hội. Tuy nhiên, những rào cản về cơ chế, chính sách… đòi hỏi một hướng hợp tác cụ thể hơn.
Phòng thí nghiệm công nghệ cao của Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM
Phòng thí nghiệm công nghệ cao của Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM
Chưa tương xứng
Tính đến năm 2017, ĐHQG TPHCM đã ký kết hợp tác với một số tỉnh thuộc 4 khu vực trọng tâm: Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và khu vực duyên hải miền Trung; cùng với đó là một số đơn vị như Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, Becamex Bình Dương, MobiFone, Tôn Hoa Sen… Song, kết quả hợp tác chuyển giao ứng dụng còn rất khiêm tốn.
Một thành viên của ĐHQG TPHCM là Trường ĐH Quốc tế, sau 14 năm hình thành và phát triển, mới chỉ có 21 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng giá trị khoảng 25,6 tỷ đồng. Trường này chỉ ra 7 khó khăn, trong đó có việc 2 bên chưa hiểu, chưa tin nhau. Nhiều địa phương có dấu hiệu sử dụng ý tưởng của các nhà nghiên cứu để giao cho các đơn vị trực thuộc thực hiện; chưa có phòng thí nghiệm thực hành sản xuất quy mô lớn để thử nghiệm sản phẩm. 
Đối với hợp tác từng địa phương, qua 7 năm phối hợp với tỉnh Bến Tre, điểm nổi bật vẫn chỉ là đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh hay thành lập phân hiệu ĐHQG TPHCM tại Bến Tre, còn các đề tài khoa học và công tác chuyển giao ứng dụng chưa nhiều. Giữa ĐHQG TPHCM và tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2013 - 2017 cũng chỉ có số lượng rất ít đề tài NCKH được chuyển giao, song kết quả ứng dụng chưa rõ rệt. Nguyên nhân do tỉnh chưa xác định rõ đề tài để đặt hàng, trong khi ĐHQG TPHCM chưa chủ động liên kết và phát huy tính liên ngành giữa các trường thành viên. 
Ngay với Trường ĐH Bách khoa - ngôi trường có bề dày thành tích về hoạt động chuyển giao ứng dụng NCKH, nhưng 5 năm qua (2013-2017), doanh thu từ hoạt động này chỉ đạt… 455 triệu đồng. Đại diện nhà trường cho rằng, có sự chênh lệch lớn giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của nhà trường.
Nghiên cứu phải gắn nhu cầu xã hội 
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM, nhấn mạnh: “Vấn đề toàn cầu hóa, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và mọi thứ phải thay đổi. Vì vậy, không chỉ bản thân các trường ĐH thay đổi mà trong hợp tác giữa ĐHQG với các địa phương, doanh nghiệp cũng phải có những thay đổi tích cực hơn; phải bám sát thực tế, bám sát nhu cầu bức bách của xã hội”. 
Theo PGS-TS Huỳnh Quyền,  trên thế giới, mô hình hợp tác đưa KH-CN vào phát triển kinh tế được triển khai với 2 mô hình cơ bản. Thứ nhất là mô hình hợp tác “3 chủ thể” gồm trường đại học - địa phương - doanh nghiệp. Song song với mô hình này, tồn tại mô hình “4 chủ thể” gồm trường đại học - địa phương - doanh nghiệp - người dân (xã hội). Song điểm chung của các mô hình là doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo của sự hợp tác.
Với kinh nghiệm gần 30 năm tổ chức phòng thí nghiệm cơ học ứng dụng theo định hướng phục vụ sản xuất, GS-TS Ngô Kiều Nhi (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) chia sẻ, NCKH cần 3 khả năng chính, gồm kiến thức cơ bản, độ nhạy bén kỹ thuật, năng lực tổ chức. Trong đó, người có kiến thức lý luận không ít, nhưng có 2 khả năng sau lại không nhiều. Chính họ tạo nên phong trào NCKH, phong trào chuyển giao công nghệ, phong trào sản xuất. Nghiên cứu giải trình vấn đề lý thuyết có thể một cá nhân vẫn thực hiện được nhưng nghiên cứu để ra một sản phẩm hiện hữu thì phải có công sức của một tập thể. Cần thiết phải có một đầu tàu có kiến thức, có tầm nhìn, có phong cách và đạo đức để lôi kéo một tập thể làm việc lâu dài chứ không phải chỉ trong từng đề tài riêng lẻ. 
PGS-TS Huỳnh Quyền, Phó trưởng ban KH-CN ĐHQG TPHCM, ví von: “Chúng ta đang đứng trước hố đen nghiên cứu chuyển giao và có một cái cầu mà chúng ta đi hoài cũng không qua được. Các trường, viện hiện nay chủ yếu nghiên cứu cơ bản, còn ứng dụng thì rất yếu. Vì vậy, các bên phải ngồi lại để tìm tiếng nói chung, để có giải pháp cụ thể”. Cũng theo PGS-TS Huỳnh Quyền, hiện trên thế giới có 2 mô hình hợp tác: một là hợp đồng đặt hàng, hai là đối tác. Với thực tế hiện nay của Việt Nam, chúng ta nên chú trọng mô hình đầu tiên để giải quyết những vấn đề bức thiết. Về lâu dài sẽ chuyển sang mô hình đối tác.
Cho rằng việc hợp tác lâu nay chưa đi sâu và cụ thể vào những vấn đề mà địa phương đang cần, đại diện tỉnh Bến Tre đề xuất, trước hết tỉnh tìm kiếm những đề tài nghiên cứu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ ĐHQG TPHCM để tiến hành chuyển giao ứng dụng. Song song đó, tỉnh Bến Tre đặt hàng ĐHQG TPHCM nghiên cứu và nhân giống dừa năng suất cao, các đề tài về thủy sản, nhân giống cây ghép nano, cây giống và hoa kiểng. 
Tương tự, đại diện tỉnh An Giang đề nghị đặt hàng các đề tài giải quyết vấn đề nhân lực quản lý, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch và thủy sản. Sở KH-CN tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh thêm, việc hợp tác phải bàn đến tính hiệu quả, tránh những thủ tục kéo dài; đề nghị ĐHQG TPHCM phối hợp với Sở KH-CN đề xuất các ý tưởng, đề tài theo danh mục đã được UBND tỉnh duyệt để tiến hành thực hiện.

Tin cùng chuyên mục