Nhiều kết quả nổi bật
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng ĐHQG TPHCM, năm 2022, ĐHQG TPHCM đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đối ngoại và hợp tác phát triển. Về đào tạo, ĐHQG TPHCM mở mới nhiều ngành ở bậc đại học như thí điểm ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Công nghệ thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên); ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm, ngành Thú y (Trường ĐH An Giang); giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng. Đối với trình độ sau đại học, ĐHQG TPHCM phê duyệt mở ngành Việt Nam học trình độ tiến sĩ (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn); Bộ Y tế quyết định phê duyệt mở ngành và giao nhiệm vụ đào tạo 5 ngành bác sĩ chuyên khoa cấp 1 của Khoa Y (bác sĩ nội trú ngoại khoa, bác sĩ chuyên khoa I các ngành Ngoại khoa, Tai - Mũi - Họng, Sản phụ khoa, Nhi khoa).
Về công tác kiểm định chất lượng cấp chương trình, ĐHQG TPHCM đạt kết quả vượt bậc với 33 chương trình đạt các chuẩn kiểm định quốc tế và 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định trong nước. Tính đến tháng 10-2022, ĐHQG TPHCM có 110 chương trình đạt chuẩn quốc tế, trong đó 6 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ, 81 chương trình đạt chuẩn AUN-QA (Tổ chức kiểm định của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), 23 chương trình đạt các chuẩn quốc tế khác.
Theo PGS-TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ (ĐHQG TPHCM), về nghiên cứu khoa học, tính đến tháng 10-2022, ĐHQG TPHCM đã công bố 2.720 bài báo khoa học trên các tạp chí, hội nghị trong và ngoài nước. Trong đó, số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu Scopus chiếm 67%. ĐHQG TPHCM tiếp tục công bố được nhiều bài báo trên các tạp chí uy tín với chỉ số ảnh hưởng cao (>15) như: Nature, Science, The Lancet Neurology, Applied Catalysis B: Environmental… Riêng lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, ĐHQG TPHCM đã công bố 10 công trình khoa học đỉnh cao trong cơ sở dữ liệu Natura Index, xếp thứ 3 cả nước trong bảng xếp hạng này.
Trong công tác đối ngoại và hợp tác phát triển, ĐHQG TPHCM đang triển khai 205 dự án trong nước và 129 chương trình, hoạt động hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp. Các dự án này luôn được đánh giá cao vì tập trung chủ yếu vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương như ngập mặn, chống sạt lở, biến đổi khí hậu, phát triển du lịch… Trên phạm vi quốc tế, ĐHQG TPHCM đã ký kết và triển khai hơn 82 thỏa thuận hợp tác với các trường ĐH uy tín tại châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Đồng thời, tham gia và triển khai các dự án quốc tế quan trọng: dự án phát triển các ĐHQG - Tiểu dự án ĐHQG PHCM (Ngân hàng Thế giới); dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ); dự án Tăng cường giáo dục đại học ngành nông nghiệp tại ĐHQG TPHCM (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc); dự án Thiết lập chuỗi lúa gạo bền vững ở ĐBSCL (Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia)…
Tiếp tục phát huy tự chủ
Theo PGS-TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính (ĐHQG TPHCM), năm 2023, ĐHQG TPHCM tiếp tục đẩy mạnh 6 nhóm chiến lược hoạt động. Trong đó, về quản trị, ĐHQG TPHCM sẽ tập trung xây dựng Đề án “Phát triển ĐHQG TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á” nhằm thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, ĐHQG TPHCM sẽ phát triển hệ thống học liệu số dùng chung trong giảng dạy và học tập (các khóa học trực tuyến mở đại trà - Massive Open Online Courses, MOOCs); xây dựng quy hoạch ngành/chương trình đào tạo tại ĐHQG TPHCM.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ĐHQG TPHCM đẩy mạnh thực hiện các đề tài, dự án thuộc nhiệm vụ và chương trình cấp quốc gia, các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra sản phẩm quốc gia; nghiên cứu về các chính sách và kiến nghị đối với mô hình công ty spin-off (các công ty khởi nghiệp do nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu chính).
Về hợp tác và phát triển hội nhập, ĐHQG TPHCM sẽ phát triển ý tưởng các dự án mới như: dự án Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á - Chương trình lãnh đạo Mekong; dự án thành lập Khoa Việt Nam học tại Trường ĐH Hoàng gia Phnom Pênh (Campuchia); triển khai các dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học, dự án Phát triển các đại học quốc gia - Tiểu dự án ĐHQG TPHCM...
Cùng với đó, Hội đồng ĐHQG TPHCM cũng thông qua các đề án như: đề án Đổi mới quản trị tại ĐHQG TPHCM - Thành lập doanh nghiệp thuộc ĐHQG TPHCM; đề án sử dụng tài sản công tại Trung tâm Quản lý ký túc xá; tổ chức lại Ban Kế hoạch - Tài chính, Viện Đào tạo và Nghiên cứu quản trị; Kiện toàn Hội đồng trường tại các trường đại học thành viên…
Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong năm 2022, ĐHQG TPHCM đã chọn chủ đề “Mô hình tự chủ”. Điều này khẳng định nhận thức đúng đắn và quyết tâm của ĐHQG TPHCM trong việc xây dựng một đại học chuẩn mực, đảm bảo sự tự do trong học thuật, dân chủ trong quản lý, tự chủ trong nhận thức trách nhiệm trước xã hội, nhằm tạo điều kiện giải phóng năng lượng, tiềm năng sáng tạo của cả hệ thống, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, viên chức đến tập thể sinh viên xuất sắc, tài năng của ĐHQG TPHCM.