Đại học Quốc gia TPHCM: Dấu ấn 30 năm phát triển

Suốt 30 năm qua, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM không ngừng nỗ lực để trở thành đầu tàu của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đã có rất nhiều đóng góp cho đất nước, phục vụ các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Suốt hành trình phát triển, ĐHQG TPHCM luôn bám sát sứ mệnh cốt lõi của một đại học lớn nhất cả nước, đó là đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng.

Các nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM)
Các nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM)

Đi đầu về chất lượng

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM), chất lượng giáo dục là ưu tiên hàng đầu của ĐHQG TPHCM, công tác đảm bảo chất lượng được duy trì và cải tiến liên tục. Nhờ đó, số lượng chương trình đạt chuẩn quốc tế có xu hướng gia tăng nhanh. Trong gần 4 năm (từ 2020 đến tháng 10-2024), có 85 chương trình đạt chuẩn kiểm định, vượt giai đoạn 10 năm trước đó cộng lại với 68 chương trình. Cùng với đó, số ngành đào tạo được xuất hiện với thứ hạng cao trên các tổ chức xếp hạng uy tín của thế giới tăng đều qua từng năm, uy tín về học thuật, danh tiếng của ĐHQG TPHCM cũng được chấm điểm cao so với khu vực và thế giới.

Theo bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS-Anh), năm 2024, ĐHQG TPHCM có 8 ngành được xếp vào tốp 100-500 trên thế giới gồm: Kỹ thuật Dầu khí tốp 51-100 (cao nhất cả nước); Toán; Kỹ thuật Điện-Điện tử, Kỹ thuật Hóa học; Nông lâm; Kinh tế học và Kinh tế lượng; Khoa học môi trường; Khoa học máy tính.

Với hệ thống đại học trong nước, về chương trình đào tạo, ĐHQG TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước với 154 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Cụ thể: 92 chương trình đạt chuẩn kiểm định của tổ chức kiểm định thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA); 38 chương trình đạt chuẩn của Hiệp hội Kiểm định chất lượng đại học châu Âu (ASIIN); 13 chương trình đạt chuẩn của Tổ chức đảm bảo chất lượng của Chính phủ Thụy Sĩ (FIBAA); 13 chương trình đạt chuẩn của Tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hội đồng kiểm định CHLB Đức (AQAS); 7 chương trình đạt chuẩn của Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Mỹ (ABET) và 13 chương trình đạt chuẩn quốc tế khác.

Nhờ quan tâm đến chất lượng, những bước tiến vượt trội trong đào tạo, nghiên cứu khoa học đã đưa ĐHQG TPHCM lọt vào tốp 901-950 đại học xuất sắc nhất thế giới theo QS năm 2025. Trong đó, danh tiếng với nhà tuyển dụng hạng 389, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hạng 466, danh tiếng với đồng cấp học thuật hạng 481. Trước đó, tổ chức QS World University Ranking by Subject 2023 (thuộc QS) đã xếp hạng 54 ngành học thuộc 5 lĩnh vực của gần 1.600 cơ sở giáo dục đại học thế giới (hơn 18.300 chương trình đào tạo) và ĐHQG TPHCM đã đạt vị trí 167 các đại học xuất sắc nhất châu Á năm 2023.

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho biết, năm 2024 ĐHQG TPHCM có nhiều thành tích nổi bật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN). Nhiều thầy cô giáo và sinh viên đã được vinh danh, tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng cao quý vì thành tích học thuật xuất sắc. Điều này đã trở thành minh chứng cho sức mạnh hệ thống, góp phần tạo động lực cho nhiều tài năng khoa học đóng góp vào sự phát triển của đất nước và vươn mình ra thế giới.

Năm 2024, ĐHQG TPHCM đã bội thu giải thưởng về KH-CN. Tiêu biểu, có 1 nhà khoa học được bầu chọn làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới; 3 nhà khoa học đạt danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024” cấp toàn quốc; 2 nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; 4 nhà khoa học đoạt giải thưởng KH-CN Quả cầu vàng và 11 nữ sinh đoạt giải thưởng Nữ sinh KH-CN Việt Nam. Đặc biệt, năm 2024, ĐHQG TPHCM có số lượng công bố quốc tế vượt mốc 3.000 bài báo, công trình công bố quốc tế. ĐHQG TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế, trong đó số công bố quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu Scopus đạt 3.168 bài (cập nhật ngày 24-12-2024).

Luôn đề cao nhiệm vụ đóng góp cho cộng đồng

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐHQG TPHCM, xuyên suốt quá trình phát triển, ĐHQG TPHCM luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là xây dựng ĐHQG TPHCM thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng hàng đầu của cả nước và khu vực; thể hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia đóng góp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam. Trong đó, đóng góp cho cộng đồng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ĐHQG TPHCM. Có thể nói, 30 năm qua, ĐHQG TPHCM đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và doanh nghiệp khu vực phía Nam. Các hoạt động KH-CN và chuyển giao công nghệ không chỉ giúp giải quyết thách thức trước mắt mà còn tạo ra những giá trị lâu dài, hướng đến tương lai bền vững cho xã hội.

TS Bùi Thị Hồng Hạnh, Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển dự án, ĐHQG TPHCM, cho biết, giai đoạn 2016-2020, ĐHQG TPHCM mở rộng mối quan hệ hợp tác, ký kết chính thức với 10 địa phương: TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Bạc Liêu; xây dựng mối quan hệ hợp tác tiềm năng với Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp... Giai đoạn 2023-2024, Viện Phát triển năng lực lãnh đạo triển khai hơn 154 khóa đào tạo, bồi dưỡng với hơn 14.300 lượt cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, người lao động tham gia. Hơn 30 chương trình đào tạo, bồi dưỡng được viện xây dựng mới phục vụ nhu cầu hơn 15 đối tác địa phương, doanh nghiệp từ Nam Trung bộ đến Tây Nam bộ. Đặc biệt, Đề án Phát triển chương trình bồi dưỡng trong và ngoài nước cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, làm cơ sở cho việc triển khai các khóa bồi dưỡng chuyên sâu, phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, đáp ứng chuẩn mực quốc tế và nâng cao hiệu quả quản lý tại các tỉnh thành.

Cùng đó, ĐHQG TPHCM đã phối hợp với các địa phương thực hiện hàng 100 nhiệm vụ KH-CN trọng điểm, các đề tài, đề án phát triển du lịch. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ đã hỗ trợ địa phương trong giải quyết một số vấn đề nóng hiện nay như: biến đổi khí hậu, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, phương tiện trữ nước sạch… Đặc biệt, chương trình KH-CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ do ĐHQG TPHCM đồng chủ trì với mục tiêu nghiên cứu các giải pháp KH-CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ, triển khai các giải pháp KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam bộ.

Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) của ĐHQG TPHCM là viện đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này. ICED ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo chú trọng giải pháp KH-CN, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên nền tảng hệ sinh thái doanh nghiệp - chính phủ - đại học. Thông qua ICED, ĐH Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đóng góp, kết nối nền kinh tế tuần hoàn giữa thế giới và Việt Nam. ICED sẽ là trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn giải pháp và chính sách về phát triển bền vững cho chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương; kết nối doanh nghiệp - nhà nước - đại học, liên kết lợi ích - nhu cầu giữa các bên liên quan hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nhân kỷ niệm 30 năm ĐHQG TPHCM xây dựng và phát triển (1995-2025), Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1168/QĐ-CTN ngày 6-11-2024 tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho ĐHQG TPHCM. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn dành cho tập thể thầy cô giáo, viên chức, người lao động của ĐHQG TPHCM vì sự bền bỉ, kiên định vượt qua khó khăn thách thức, tận tâm, tận tụy, tâm huyết với nghề, vì những thành quả đặc biệt xuất sắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng, đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước suốt 30 năm qua.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, ĐHQG TPHCM luôn theo đuổi các giá trị hướng đến sự xuất sắc để giúp ĐHQG TPHCM hội nhập và phát triển bền vững. ĐHQG TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu năm 2030: vào tốp 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; 200 chương trình đào tạo đại học, sau đại học được công nhận bởi các tổ chức kiểm định uy tín của quốc tế; cung ứng 140.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ và tiến sĩ, công bố 35.000 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín của thế giới; hoàn thành xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, ươm mầm ít nhất 10 công ty khởi nghiệp gọi vốn thành công quy mô 10 triệu USD/dự án; các chương trình đào tạo, nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học thuộc tốp 50 châu Á...

Tin cùng chuyên mục