Đột phá về khoa học và công nghệ
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, năm 2024 ĐHQG TPHCM có nhiều thành tích nổi bật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN). Nhiều thầy cô giáo và sinh viên đã được vinh danh, tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng cao quý vì thành tích học thuật xuất sắc. Điều này đã trở thành minh chứng cho sức mạnh hệ thống, góp phần tạo động lực cho nhiều tài năng khoa học đóng góp vào sự phát triển của đất nước và vươn mình ra thế giới.
Trong năm 2024, ĐHQG TPHCM đạt nhiều thành tích: 1 nhà khoa học được bầu chọn làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới; 3 nhà khoa học đạt danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024” cấp toàn quốc; 2 nhà khoa học nữ đạt Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; 4 nhà khoa học đạt Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng và 11 nữ sinh đạt Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2024 có số lượng công bố quốc tế vượt mốc 3.000 bài báo, công trình công bố quốc tế. ĐHQG TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế, trong đó số công bố quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu Scopus đạt 3.168 bài (cập nhật ngày 24-12). ĐHQG TPHCM đồng thời ký kết nhiều chương trình hợp tác về KH-CN với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác quốc tế trong các lĩnh vực ưu tiên; phối hợp với bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về giáo dục đại học, KH-CN. ĐHQG TPHCM tiếp tục khẳng định vị thế quốc tế như: tốp 901-950 các đại học tốt nhất thế giới, đạt vị trí 184 các đại học xuất sắc nhất châu Á (tăng 36 bậc so với năm 2023).
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập (1995-2025), Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ĐHQG TPHCM, ghi nhận những thành quả đặc biệt xuất sắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng, đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong suốt 30 năm qua.
Nhiều thành tựu nổi bật
Năm 2024 cũng là năm ĐHQG TPHCM đạt nhiều thành tựu và dấu ấn nổi bật.
Lần đầu tiên, công tác phát triển đảng viên mới vượt chỉ tiêu 143,12%. Số lượng đảng viên mới tăng mạnh, ĐHQG TPHCM kết nạp được 229 đảng viên, vượt xa so với chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, ĐHQG TPHCM cũng đã thực hiện thành công đề tài “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học” và chuyển giao cho nhiều tổ chức đảng, phát huy hiệu quả nghiên cứu.
Năm 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục đổi mới quản trị đại học, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự, thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, kiện toàn Ban Giám đốc ĐHQG TPHCM. Đặc biệt, Chương trình VNU350 triển khai trong 6 tháng đã tuyển chọn được 27 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành, đa số tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín trên thế giới.
ĐHQG TPHCM đã hoàn thành giai đoạn 1 đề án chuyển đổi số. Công tác chuyển đổi số được quan tâm, đẩy mạnh trong toàn hệ thống, nhất là việc quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin như: triển khai chữ ký số, mở rộng, kết nối phần mềm quản lý văn bản và điều hành IOC đến các đơn vị trong hệ thống. Việc áp dụng chuyển đổi số tại ĐHQG TPHCM đã mang lại hiệu quả cao trong việc quản trị, điều hành, hỗ trợ giảng dạy, học tập
Trong năm 2024, Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo đã được khởi công xây dựng, tọa lạc trên diện tích 4,65 hecta với tổng kinh phí đầu tư 700 tỷ đồng. Đây sẽ là nơi đặt các phòng thí nghiệm tiên tiến có quy mô hàng ngàn tỷ đồng, các xưởng sản xuất thử nghiệm, các trung tâm R&D hợp tác với doanh nghiệp.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Năm 2025 là năm quan trọng, gắn với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, cũng là năm ĐHQG TPHCM tròn 30 tuổi, ĐHQG TPHCM nhận thấy trách nhiệm lớn lao trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đó, ĐHQG TPHCM sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy, đảm bảo hệ thống tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời tích cực chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHQG TPHCM lần thứ VII nhiệm kỳ 2025-2030. Tiếp đó, đổi mới quản trị đại học theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, hội nhập với khu vực và thế giới, phù hợp với Chiến lược phát triển ĐHQG TPHCM.
Đổi mới sáng tạo, hợp tác với các doanh nghiệp để mở rộng các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho sinh viên; Phát triển và đăng ký bằng sáng chế (patent) cho một số sản phẩm mẫu (prototype) trong các lĩnh vực công nghệ vật liệu, sinh học, hóa dược, chip - bán dẫn, AI… Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học liên ngành hướng đến các công bố trên các tạp chí khoa học hàng đầu.