
Sự ra đời của viện không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của ĐHQGHN trong lĩnh vực công nghệ cao, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và vật liệu tiên tiến tại Việt Nam.
Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến được thành lập nhằm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ bán dẫn, vật liệu mới phục vụ công nghiệp điện tử, công nghệ cao và các lĩnh vực liên quan; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng thực tiễn.
Viện sẽ tập trung lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chú trọng các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng vật liệu bán dẫn, nano, vật liệu tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị ứng dụng cao. Đồng thời là điểm đến, cầu nối gắn kết trong hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực bán dẫn cho đất nước; là điểm giao thoa liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước trong đào tạo nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ bán dẫn và vật liệu mới.
Viện cũng sẽ là đầu mối kết nối các chương trình hợp tác quốc tế về khoa học vật liệu và công nghệ bán dẫn, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu và sản xuất vật liệu tiên tiến trong khu vực. Viện sẽ tập trung các hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu.
PGS-TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN cho biết, hệ sinh thái nghiên cứu - thí nghiệm - ứng dụng hoàn chỉnh ngay tại công viên đảm bảo khả năng triển khai các dự án nghiên cứu và thử nghiệm quy mô lớn. Trang thiết bị tiên tiến phục vụ nghiên cứu và chế tạo vật liệu bán dẫn, bao gồm hệ thống chế tạo và thử nghiệm chip, vi mạch; phòng thí nghiệm vật liệu nano, vật liệu 2D, vật liệu quang điện; hệ thống phân tích, mô phỏng tiên tiến hỗ trợ nghiên cứu vật liệu và linh kiện điện tử; mô hình phòng thí nghiệm mở (Open Lab) tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp, startup cùng khai thác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.