Ngày 27-7, trong lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho 1.293 sinh viên thuộc hệ chính quy, Trường Đại học Luật TPHCM đã công bố tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Theo khảo sát của Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên, tỷ lệ sinh viên chuyên ngành Luật có việc làm là 89,8%, chuyên ngành Quản trị - Luật là 94,4%, chuyên ngành Quản trị kinh doanh là 94%... Đây là tín hiệu rất lạc quan về chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, trong bối cảnh chung còn mù mờ về tỷ lệ có việc làm ở các cơ sở đào tạo và cả nước có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp.
Với nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ cao, Trường Đại học Luật TPHCM cho hay các tân cử nhân tốt nghiệp năm 2018 cũng đã có được những bước đi khởi nghiệp khi tự ứng tuyển tại các doanh nghiệp kinh tế, xã hội, công ty luật phù hợp với năng lực và ngành nghề được đào tạo.
Trường đánh giá, cử nhân tốt nghiệp ngành luật (có chuẩn tiếng Anh 600 điểm TOEIC, tiếng Pháp đạt Delf – B1, tiếng Nhật đạt JLPT 3) có thể đáp ứng mọi yêu cầu của các doanh nghiệp trong phạm vi quốc gia và quốc tế.
Đồng thời với việc công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm, Trường Đại học Luật TPHCM cũng khảo sát đánh giá của các đơn vị sử dụng lao động về năng lực chuyên môn, phẩm chất cá nhân của cựu sinh viên. Việc làm này nhằm giúp trường cải tiến về chương trình đào tạo và nâng chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Kết quả, trong 171 đơn vị sử dụng lao động (gồm 69% doanh nghiệp tư nhân, 24% là các đơn vị Nhà nước) được khảo sát, có 96% đơn vị hài lòng về chất lượng cử nhân tốt nghiệp của trường; 83,6% sinh viên tốt nghiệp làm ở bộ phận đúng với chuyên ngành được đào tạo; 72,5% đơn vị đánh giá kỹ năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên ở mức tốt và khá.
Trước đây, xã hội mặc định tốt nghiệp luật chỉ làm kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư; giờ đây, còn có thể làm tư vấn, công chứng viên, thừa phát lại, pháp chế trong các doanh nghiệp... đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp bắt đầu coi trọng và săn tìm nhân sự pháp lý có trình độ, kinh nghiệm về luật pháp. Với sự góp sức của nhân sự pháp lý, doanh nghiệp sẽ chuyên nghiệp hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời hạn chế được rủi ro trong hoạt động kinh tế.