Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã họp và ra quyết định đối với các sinh viên đang theo học tại trường có liên quan đến việc sửa, nâng điểm thi.
Sau khi rà soát, trong 7 thí sinh ở Sơn La có kết quả chấm thẩm định thì có 5 thí sinh điểm thấp hơn so điểm chuẩn trúng tuyển nên bị xoá tên trong danh sách trúng tuyển, 2 thí sinh còn lại có điểm cao hơn điểm trúng tuyển nên được học bình thường.
Thí sinh ở Sơn La có điểm nâng nhiều nhất ở trường Đại học Kinh tế quốc dân là 7 – 8 điểm, thấp nhất là 4,8 điểm. Trước đó, trường này cũng đã xóa tên 2 thí sinh ở Hòa Bình.
Hiện nay, các trường đại học thuộc khối Công an đã hủy kết quả trúng tuyển, trả về địa phương đối với các thí sinh được nâng điểm. Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, nguyên tắc xử lý của Bộ Công an là tất cả học viên có điểm thi gian lận đều bị thu hồi kết quả trúng tuyển, bất kể điểm thực của thí sinh có đạt điểm chuẩn vào ngành/trường mà thí sinh đang theo học hay không. Lý do là ngành công an là ngành bảo vệ pháp luật, vì thế yêu cầu với học viên của các trường Công an không phải chỉ là kiến thức, trình độ mà còn là sự trung thực, phải có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh đấu tranh với cái sai, cái xấu. Khi nhập học, các trường của Bộ Công an cũng đã yêu cầu tất cả thí sinh trúng tuyển phải viết giấy cam đoan điểm trúng tuyển là điểm thực tế bài thi của các em, nếu cơ quan chức năng phát hiện đó là điểm thi gian lận thì các em phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, các trường khối dân sự chỉ hủy kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn. Riêng các thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.
Việc các trường đại học còn khác nhau trong xử lý thí sinh liên quan đến kết quả thi của thí sinh THPT quốc gia 2018 là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến đề nghị nên làm như ngành công an, tức buộc thôi học tất cả những thí sinh có điểm thi được nâng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì cho rằng, xử lý những sai phạm liên quan đến kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh không chỉ được áp dụng bởi các quy định trong Quy chế mà còn các quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của cơ sở giáo dục đại học. Vì thế, khi xử lý một trường hợp, phải áp dụng các quy định để đảm bảo tính chính xác, công bằng, nghiêm minh. Việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Ông Bùi Đức Triệu cũng cho biết, trường căn cứ vào Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và Đề án tuyển sinh của trường thì không có chỗ nào nói rõ ràng về trường hợp xử lý những thí sinh này. Dựa trên cơ sở các công văn của Bộ GD-ĐT gửi về cũng như công văn của Sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La, trường chỉ có căn cứ duy nhất là xử lý trên cơ sở điểm thực của các thí sinh; các thí sinh đủ điểm vào trường thì các em vẫn được học bình thường, trường không đủ cơ sở để xử lý theo hình thức khác. Còn nếu sau này kết luận điều tra công bố là thí sinh gian lận điểm thi thì nhà trường sẽ thực hiện theo Quy chế tuyển sinh và tiếp tục xử lý thí sinh đang theo học.
Trong ngày 22-4, Học viện Tài chính đã ký quyết định xóa tên 1 thí sinh khỏi danh sách trúng tuyển năm 2018 đến từ Hòa Bình vì điểm chấm thẩm định lại của Bộ GD-ĐT không đủ điểm trúng tuyển. Thí sinh này đang theo học chuyên ngành kế toán công có mức điểm đỗ vào trường là 24,2 điểm; kết quả điểm thẩm định của Bộ GD-ĐT là 17,3 điểm.