Sáng 19-7, Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế cho biết, để tạo thuận lợi cho thí sinh tính toán và đưa ra lựa chọn phù hợp, Đại học Huế đã gia hạn thời gian xác nhận nhập học đợt 1 đối với hình thức xét tuyển học bạ đến ngày 29-7.
Riêng đợt 2, thí sinh sẽ xác nhận nhập học từ tháng 8-2019. Đại học Huế ưu tiên cơ hội tốt nhất cho thí sinh, việc lựa chọn nhập học theo phương thức nào và ngành học gì phải dựa trên đam mê và khả năng của thí sinh, cơ hội việc làm, khả năng kinh phí theo học.
Đại học Huế chỉ tuyển sinh theo phương thức học bạ 10% tổng chỉ tiêu các ngành (trừ các ngành không tuyển sinh theo phương thức học bạ), đồng thời mong muốn thí sinh trúng tuyển và có kết quả cao tại kỳ thi THPT Quốc gia để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Việc mở ra nhiều hình thức xét tuyển mang đến lợi thế để thí sinh lựa chọn và nhiều em đang tận dụng tốt cơ hội này sau khi đã hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia.
Trong trường hợp thí sinh trúng tuyển phương thức xét tuyển học bạ đúng với đam mê và lựa chọn ngành nghề, nên tiến hành làm thủ tục xác nhận nhập học sớm để có thời gian nhiều hơn chuẩn bị năm học mới. Với những trường hợp thi tốt tại kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh có thể tính toán phương án hợp lý, nhưng đừng đưa ra lựa chọn quá muộn.
Chiều nay, Đại học Huế công bố điểm sàn
Ngay sau khi thí sinh có kết quả thi THPT Quốc gia, đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố phổ điểm các môn thi, Đại học Huế đã có kế hoạch họp Hội đồng tuyển sinh xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các ngành đào tạo của Đại học Huế vào chiều 19-7.
PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, so với năm 2018, phổ điểm có nhích hơn 1-2 điểm, tuy nhiên cũng không đồng đều giữa các môn và tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa hoc xã hội. Điều đáng báo động nhất là phổ điểm môn tiếng Anh khá thấp và tập trung ở mức điểm 3-6 nhiều hơn.
Mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng dự kiến khối ngành du lịch, ngoại ngữ, luật sẽ cao hơn các ngành còn lại, dao động từ 15-18 điểm; các nhóm ngành còn lại về nông - lâm - ngư, kinh tế, khoa học… sẽ phụ thuộc vào từng ngành và sẽ dao động về ngưỡng từ 13-16 điểm.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng sẽ được thông báo chính thức vào chiều 19-7, riêng 2 nhóm ngành sư phạm và sức khoẻ do Bộ quyết định. Lưu ý, đây chỉ là ngưỡng sàn thấp nhất để các em đăng ký xét tuyển chứ không phải là điểm chuẩn đậu vào học.
PGS-TS Huỳnh Văn Chương cho biết, mức điểm sàn Đại học Huế năm nay tùy từng ngành có thể bằng hoặc nhích hơn 1-2 điểm so với năm 2018. Đại học Huế sẽ cân nhắc sao cho thuận lợi nhất và sát nhất có thí sinh có thể trúng tuyển ngay nguyện vọng 1 hoặc nguyện vọng 2.
Việc 90% chỉ tiêu của Đại học Huế dựa vào kết quả thi THPT (khoảng 10% theo học bạ) thì phải căn cứ vào điểm của 3 môn của các tổ hợp xét tuyển để đúng quy định chung của Bộ GD-ĐT. Đại học Huế không đưa ra các tiêu chí khác, trừ các ngành có thi năng khiếu. Đại học Huế đã tổ chức thi xong và đã công bố kết quả môn thi năng khiếu cho thí sinh rất sớm (từ ngày 10-7) để thí sinh yên tâm.
Với phổ điểm thi THPT năm nay và dự kiến phổ điểm sàn đó có thể thỏa mãn các điều kiện để các em có thể tham gia xét tuyển vào Đại học Huế. Điều thí sinh cần lưu ý, điểm đầu vào chỉ là một tiêu chí, còn chất lượng đào tạo phụ thuộc rất lớn vào quá trình học tập, cơ sở vật chất, đội ngũ và chuẩn đầu ra và thí sinh sau khi đậu vào học phải nỗ lực và quyết tâm rất lớn mới theo kịp nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đơn vị sử dụng lao động. Với Đại học Huế, hiện các điều kiện trên có thể nói là khá tốt so với nhiều cơ sở đào tạo khác.
Đại học Huế công bố điểm sàn vào chiều 19-7, sau khi Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế họp quyết định cho từng ngành và nhóm ngành. Thí sinh cần theo dõi và lưu ý để cân nhắc có thể giữ nguyên hoặc điều chỉnh nguyện vọng. Việc điều chỉnh phải phù hợp với năng lực, sở thích, chất lượng, cơ hội việc làm và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và bản thân.