Đây là một văn bản quan trọng, xác định tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho chuyển đổi số Việt Nam. Trong xu hướng này, việc chuyển đổi số tại các trường đại học (ĐH) cũng đã và đang được thực hiện với các mức độ khác nhau.
Thời cơ của các cơ sở giáo dục
Sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) đã tác động lớn đến giáo dục ĐH, trong đó, công nghệ truyền thông trực tuyến đã làm thay đổi môi trường học thuật với nhiều hệ sinh thái số khác nhau và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục ĐH.
Dẫn chứng điều này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, nhu cầu về chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục ĐH xuất phát từ các điểm sau: Việc sử dụng kênh truyền thông số như mạng xã hội Facebook, YouTube, website, email, truyền hình, apps… nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất đối với người học, truyền thông chính sách và thông tin của cơ sở đào tạo đến các bên liên quan. Xây dựng hệ thống quản trị số đồng bộ nhằm tối ưu thời gian và hiệu quả công việc.
Xây dựng và phân tích hệ thống dữ liệu lớn nhằm đánh giá, dự báo và đưa ra các quyết định quản trị kịp thời. Xây dựng tài nguyên số như giáo trình, tài liệu và học liệu điện tử giúp nhiều sinh viên có thể tham khảo trong cùng một thời điểm và có thể truy cập mọi lúc mọi nơi. Xây dựng hệ thống dạy học trực tuyến, từ đó tương tác giữa giảng viên và sinh viên không còn thuần túy trong lớp học mà đã trở nên mọi lúc mọi nơi. Xây dựng trường ĐH ảo nhằm tạo ra hệ sinh thái học thuật kiến tạo, học tập đa chiều, không giới hạn không gian và thời gian. Phát triển giáo dục sẻ chia, nhằm chia sẻ nguồn nhân lực và tài nguyên số giữa các cơ sở đào tạo…
Sinh viên ngày nay càng trở nên thân thiện với điện thoại thông minh, hạ tầng thông tin ngày càng được cải thiện, do đó, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục ĐH đang là thách thức và cũng là thời cơ lớn để các cơ sở giáo dục chuyển mình. PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực ĐH Quốc gia TPHCM, nhìn nhận, trong nền kinh tế tri thức có 4 yếu tố cốt lõi nhất, đó là: giáo dục đào tạo; nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; hạ tầng CNTT; hệ thống chính sách.
Giáo dục đào tạo (giáo dục ĐH) tạo ra nguồn lực trí tuệ con người để thực hiện nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sáng tạo tri thức mới. Giáo dục ĐH phải chuyển đổi và số hóa mạnh mẽ ở tất cả các khâu từ quản trị cho đến đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao và phục vụ cộng đồng. Chương trình đào tạo phải đạt trình độ quốc tế, thành lập mô hình ĐH chia sẻ, tạo ra nền tảng để các trường cùng chia sẻ tài nguyên: tài liệu, giáo trình, hệ thống bài giảng, phòng thí nghiệm… Do đó, nếu không có quyết tâm chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo thì rất khó đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tri thức, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Con người là quan trọng
Ông Bùi Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “ĐH Quốc gia TPHCM giao cho trung tâm có chức năng nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghệ cho các phòng ban, đơn vị thành viên trong quản trị ĐH, số hóa quản lý đào tạo, nghiên cứu và gắn kết với cộng đồng. Ngoài ra, trung tâm còn làm dịch vụ cung cấp sản phẩm cho các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp có nhu cầu. Do đó, vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục ĐH là cấp thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người phải thay đổi tư duy nhận thức và chịu đổi mới. Khi đã có quyết tâm, có chủ trương thì vấn đề đổi mới, số hóa đã có các chuyên gia thực hiện”.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hoạt động dạy học số tại trường được bắt đầu từ rất sớm, chính thức từ dự án tài trợ của USAID cho phòng dạy học số. Khởi đầu từ học kỳ 1 năm học 2014-2015, với 52 khóa học và cho đến nay, học kỳ 2 năm học 2019-2020 đã có 5.265 khóa học; số lượt tương tác trong năm trên hệ thống LMS của Pearson Education đạt đến 90 triệu lượt tương tác.
Chiến lược chuyển đổi số trong dạy và học tại trường đang diễn ra và đã đạt được những thành quả nhất định. Thế nhưng, trường vẫn còn nhiều trở ngại, đó là: Hạ tầng CNTT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu học tập và tương tác số mọi lúc mọi nơi; tư duy về chuyển đổi số chưa được lan tỏa đến toàn thể cán bộ viên chức; nguồn tài nguyên số chưa nhiều và chưa đồng bộ, do đó hệ sinh thái giáo dục kiến tạo chưa phát triển; quản trị số chưa phát triển đồng bộ và tổng thể; chuyển đổi số trong đào tạo còn chậm.
Có thể thấy rằng, để phát triển thành một trường ĐH số thông minh, trường cần phải có một chương trình chuyển đổi số tổng thể, toàn diện và chi tiết cho kế hoạch trung hạn 2020-2025 với tầm nhìn 2030. “Từ thực tiễn của trường, để thực hiện quá trình chuyển đổi số thành công, một trong những rào cản lớn nhất trong chiến lược này là chuyển đổi nhận thức trong cán bộ, viên chức. Nếu không có sự cam kết và quyết tâm thực hiện từ đối tượng trung tâm này thì sẽ là một rào cản lớn khi triển khai”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, chia sẻ, ngoài con người thì trở ngại hiện nay với trường là cơ sở hạ tầng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về công tác quản lý sinh viên, đào tạo và thủ tục hành chính. Trong 2 năm tới, trường sẽ xây dựng kênh kết nối giữa doanh nghiệp, cựu sinh viên và thông tin việc làm với cổng thông tin của trường.