Đại học Bình Dương: 20 năm góp sức vì nền giáo dục mở
SGGP
Với triết lý giáo dục “Học - Hỏi - Hiểu - Hành”, trường Đại học Bình Dương đã có 20 năm góp sức vào việc xây dựng và phát triển nền giáo dục mở, chủ động liên kết với nhiều trường đại học và tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới.
Đến nay, trường đã đào tạo hơn 70.000 học viên, cung cấp hơn 30.000 lao động chất lượng cao cho xã hội, trong đó có 500 thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh và đến năm 2016 ngành học này được Bộ Giáo dục & đào tạo cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ.
Mở rộng quan hệ quốc tế
20 năm qua, trường Đại học Bình Dương đã ký kết hợp tác với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu, tập đoàn giáo dục của 11 quốc gia trên thế giới như: Nga, Ba Lan, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc..., trong đó, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Liên bang Nga đã ký hợp tác đặt chi nhánh tại ĐH Bình Dương vào năm 2010. Trường cũng là nơi Chính phủ Hàn Quốc đặt trụ sở Trung tâm SeJong để đào tạo, giao lưu văn hóa Hàn Quốc, cung ứng cho xã hội đội ngũ lao động có hiểu biết về chuyên môn và ngôn ngữ; đã ký kết làm đối tác liên kết với Hội đồng Anh - British Council trong việc triển khai học và tổ chức thi cấp chứng chỉ chuẩn tiếng Anh quốc tế cho đội ngũ giảng viên và sinh viên…
Ngày 27/10/2016, TS. Cao Việt Hiếu dẫn đầu đoàn đại biểu trường Đại học Bình Dương tham dự lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Đại học Quốc gia Belarus. Đoàn chụp ảnh lưu niệm với GS.VS Ablameyko Sergey - Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Belarus
Trong hai mươi năm qua, các nghiên cứu về xây dựng nền giáo dục mở của trường Đại học Bình Dương đã được viết thành sách như cuốn “Đã từng có một đại học mở như vậy” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2010; “Hành trình đến nền giáo dục mở”, xuất bản năm 2014. Trong tác phẩm “Xây dựng nền giáo dục mở, mở để học, học để mở, để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở” đã góp phần làm sáng tỏ chủ trương toàn cầu hóa giáo dục. Những quan điểm, ý tưởng này đã trở thành những căn cứ nền tảng xây dựng và phát triển trường Đại học Bình Dương. Nhà trường cũng đã quy tụ hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động giáo dục, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí trong ngoài nước và nhiều đề tài được ứng dụng trong thực tế. Với các nỗ lực đó, trường Đại học Bình Dương trở thành trường đại học kinh tế sinh thái mở, đa lĩnh vực, đa hệ từ đại học, cao học đến nghiên cứu sinh…Đến nay, trường đã có 110 cán bộ, giảng viên hoàn thành chương trình SĐH, 2 thành viên được phong hàm Phó giáo sư, 1 cán bộ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Saint Petersburg Nga.
Năm 2013, lãnh đạo Học viện Khoa học công nghệ Ba Lan do GS.TSKH Slomka Tadeusz ký kết chương trình hợp tác với Đại học Bình Dương. Đoàn chụp ảnh cùng lãnh đạo Đại học Bình Dương dưới biểu tượng triết lý giáo dục
Các hoạt động xã hội phong phú
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế của mình trong xã hội, ĐH Bình Dương còn quan tâm đến các hoạt động thực tiễn xã hội như việc đưa cán bộ, giảng viên, sinh viên về các vùng nông thôn tham gia nghiên cứu xây dựng nông thôn mới; trích quỹ phúc lợi nhà trường hỗ trợ bà con vùng sâu vùng xa làm cầu, đắp đường, dựng trường, xây nhà tình nghĩa. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, ĐH Bình Dương đã và đang phụng dưỡng gần 100 mẹ Việt Nam anh hùng tại hai huyện U Minh và Thới Bình của tỉnh Cà Mau, đây là một nghĩa cử của người đi sau tri ân người đi trước, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ngày 27/1/2010, GS.VS Gulyaev Y.V - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Liên bang Nga ký kết hợp tác với Trường Đại học Bình Dương xây dựng chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Liên bang Nga tại Đại học Bình Dương
Những thành tựu nhà trường đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vị thế của Đại học Bình Dương trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và được bạn bè quốc tế biết đến với tình cảm sâu đậm thông qua các chương trình liên kết hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa. Trường Đại học Bình Dương từng bước xây dựng trở thành tổ hợp: “Giáo dục - Khoa học - Công nghệ - Kinh tế”, góp phần xây dựng nền giáo dục mở của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục.