Trong bối cảnh xã hội coi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là xa lạ, và nền y tế thiếu hụt cả về lượng lẫn chất để chữa trị cho người trầm cảm, cuốn sách Đại dương đen của tác giả Đặng Hoàng Giang đã góp phần giáo dục tâm lý, cung cấp cho người mang bệnh và người thân của họ kiến thức đúng về bệnh, hiểu về các triệu chứng của nó, về nguồn cơn gây ra nó, nắm được các phương pháp trị liệu khác nhau với các mặt lợi và bất lợi, hiểu về vai trò và trách nhiệm của bản thân để hợp tác và tham gia vào quá trình trị liệu.
Nhiều chia sẻ quý giá hiếm hoi của những người trầm cảm, những câu chuyện từ thế giới của những người trầm cảm được kể trong cuốn sách Đại dương đen có thể gây ra một cú sốc cho những người bình thường.
Tác giả chia sẻ không ai có thể hình dung thế giới ấy lại đen tối và đau đớn đến thế. Hàng ngày chúng ta đi làm, đi chơi, lướt mạng chém gió, càu nhàu về nạn tắc đường, bực tức vì trời quá nóng, và nhìn chung than thở rằng cuộc sống nhàm chán, không hề biết rằng cái nhàm chán đó là nỗi khát khao của biết bao con người.
Tác giả Đặng Hoàng Giang tâm sự: “Cũng giống như cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, chân dung các nhân vật trong cuốn sách chỉ là một phần rất nhỏ trong những cá nhân tôi đã gặp gỡ, chuyện trò và được họ chia sẻ về cuộc đời của mình. Những câu chuyện tôi chọn vào trong sách được dựa vào một số yếu tố khác nhau. Ví dụ cá nhân ấy giống như Thành (một nhân vật trong cuốn sách), là người có khả năng diễn đạt, trí nhớ tốt, có những cái nhìn sâu sắc với chính bản thân, cảm xúc, suy nghĩ của mình và đâu là hành vi của mình. Họ là những người có đủ dũng cảm để mở ra cánh cửa tăm tối, khiến cho không chỉ tác giả, mà chính nhân vật có thể đi sâu vào những kí ức đau buồn mà người ta thường muốn tránh đi. Tất cả những yếu tố đấy đóng một phần quan trọng để khiến cho câu chuyện của nhân vật trở nên giàu có, nhiều chi tiết. Và qua những sự lựa chọn nhân vật này thể hiện được sự đa dạng của bệnh trầm cảm, phá vỡ những định kiến là bệnh trầm cảm chỉ ở người trẻ thôi.”
Tham dự tọa đàm, chuyên gia tâm lý Hélène Vergon người Pháp cũng đã chia sẻ góc nhìn của mình về căn bệnh trầm cảm tại những quốc gia phát triển như Pháp và châu Âu cùng với những cách thức để hỗ trợ sức khỏe tâm thần và ngăn ngừa trầm cảm ở quốc gia này.
Chuyên gia tâm lý Hélène Vergon cho biết rằng: “Ngay cả ở một số quốc gia phát triển, một số người vẫn cho rằng trầm cảm không phải một căn bệnh. Ở Pháp và châu Âu, ngay cả khi những suy nghĩ, quan niệm về trầm cảm đã tiến bộ rất nhiều trong những năm gần đây, và mặc dù ngày càng nhiều nghiên cứu, những nội dung giúp công chúng dễ dàng tiếp cận nhưng trầm cảm và các căn bệnh rối loạn tâm lý khác vẫn là điều kiêng kị và khó nói. Vậy mà căn bệnh này ảnh hưởng đến rất nhiều người. Theo thống kê ở Pháp, cứ 5 người sẽ có 1 người từng bị trầm cảm trong đời. Và nếu chúng ta mở rộng ra các vấn đề tâm lý khác thì tại châu Âu cứ 4 người thì có 1 người gặp bệnh tâm lý. Tỷ lệ như vậy là rất lớn nhưng tiếc thay việc giải quyết vấn đề này vẫn còn rất phức tạp bởi vì trần cảm vẫn còn gắn với những mặc cảm xã hội như nỗi xấu hổ và sự thấu hiểu”.
Không chỉ xoay quanh nội dung trong cuốn sách, tại buổi tọa đàm, tác giả Đặng Hoàng Giang đã giải đáp những câu hỏi của độc giả cũng như lắng nghe trực tiếp những lời tâm sự của chính những nhân vật trong tác phẩm. Mỗi câu chuyện như nhắc nhở chúng ta rằng: rất nhiều người, vì định kiến và sự thiếu hiểu biết của chính gia đình mình và xã hội, đã bị tước đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương và hạnh phúc. Đó cũng là điều mà tiến sĩ Đặng Hoàng Giang theo đuổi nhiều năm nay qua các dự án sách của mình.