Đại đoàn kết là chủ đề muôn thuở của toàn dân tộc ta. Từ xưa đến nay, và từ nay về sau, từ thuở mới hình thành dân tộc, xuyên qua hàng ngàn năm lịch sử, lúc nào chúng ta cũng cần giá trị này.
Chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những vấn đề trở thành chân lý mà Đảng đã xác định đọng lại ở 4 điểm cơ bản nhất.
Thứ nhất, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là nội dung cực kỳ quan trọng trong đường lối chiến lược của Đảng; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng.
Thứ hai, đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh vô tận, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Ở đâu và lúc nào mất đoàn kết thì ở đó, lúc đó cách mạng sẽ bị tổn thất.
Thứ ba, đại đoàn kết toàn dân tộc phải là sự đoàn kết thật sự vững chắc giữa các giai tầng trong xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới; nòng cốt phải dựa vào nền tảng vững chắc từ liên minh công - nông - trí.
Thứ tư, đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện ở mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, ở niềm tin của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vẫn là sự chỉ dẫn thiết thực, rõ ràng đối với hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thời gian tới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc rất cần được củng cố và phát triển.
Theo đó, tiếp tục xây dựng và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới. Các chủ trương, luật pháp, chính sách phải sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc. Cuộc sống luôn luôn biến chuyển, tình hình quốc tế và trong nước có sự biển đổi khôn lường. Do vậy, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải cố gắng theo kịp sự biến chuyển để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Thời chiến có vấn đề thời cơ của thời chiến, thời bình có thời cơ, cơ hội của thời bình, cần phải nắm lấy để vượt qua thử thách mà đi lên. Bài học trong những năm qua là: vấn đề nào đã rõ, đã “chín” thì Đảng phải quyết tâm lãnh đạo thực hiện cho bằng được với bản lĩnh chính trị vững vàng và với trí tuệ sáng suốt; vấn đề nào chưa thật rõ và chưa thật “chín” thì mạnh dạn cho làm thí điểm để kiểm nghiệm nhằm có thể mở rộng hay điều chỉnh kế hoạch, hoặc tìm những yếu tố mới với tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: luôn luôn có tư tưởng đổi mới, cập nhật cái mới.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, việc giữ vững vai trò hạt nhân, lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định tới chất lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phải nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân tộc. Nhà nước, trong cơ chế vận hành quyền lực, đóng vai trò quản lý xã hội, là tổ chức xây dựng và ban hành luật cũng như giám sát thực hiện, là nơi thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng thời thể hiện ý chí của nhân dân. Vì thế, Nhà nước là một tổ chức tập trung mọi quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, có vai trò rất lớn trong việc hoạch định chính sách và tổ chức xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của dân tộc ta vẫn đang rất lớn, nhất là trong tình hình giai đoạn hiện nay. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam chỉ có thể giành được khi khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển mạnh mẽ, vững chắc ở trong toàn Đảng, trong nhân dân, trong toàn xã hội. Chúng ta tin ở phía trước, tin vào sức mạnh khi vận hành tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Sức mạnh tất thắng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được kết từ mỗi một người Việt Nam yêu nước.