Đại đoàn kết là sức mạnh nội sinh quan trọng, tạo nền tảng cho sự ổn định

Tối 16-11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Bộ VH-TT-DL phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2024.

Khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2024
Khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2024

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, với 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt, độc đáo, tạo nên bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc. Đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia. Tuần lễ này không chỉ là dịp để giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là cơ hội để các dân tộc trong cả nước giao lưu, học hỏi và phát huy những nét văn hóa đặc sắc. Một trong những điểm nhấn nổi bật là Liên hoan nghệ thuật hát Then và đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là cơ hội để hơn 400 nghệ nhân, diễn viên quần chúng giới thiệu và biểu diễn các loại hình nghệ thuật độc đáo như hát Then, đàn Tính, cùng các sản phẩm văn hóa truyền thống như nghề dệt, chế tác đàn tính và ẩm thực đặc sắc.

tuan vh 5.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc

Tới dự và phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển đất nước: "Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam đã không ngừng được vun đắp qua các thế hệ, với giá trị cốt lõi là tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc".

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh nội sinh quan trọng, tạo nền tảng cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế bền vững. Phó Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, gắn bó và bề dày lịch sử văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ tiếp tục được xây dựng, gìn giữ và phát huy. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không ngừng được củng cố ngày càng vững chắc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sau nghi lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên "Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình", đã làm nổi bật thông điệp đoàn kết, yêu thương và chia sẻ giữa các dân tộc. Chương trình với bốn phần: "Lời cây đàn Tính", "Di sản hội tụ tỏa sáng", "Chung một niềm tin" và "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" đã thể hiện sự gắn kết giữa các dân tộc anh em. Các dân tộc Việt Nam dù có những bản sắc riêng nhưng đều chung một mái nhà và cùng hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, phát triển thịnh vượng.

z60397290215609e8ca7b89f1be928f857b55461f700a9_cnny.jpg

Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" kéo dài đến ngày 24-11 với nhiều hoạt động như giao lưu văn hóa, giới thiệu trang phục dân tộc, lễ hội truyền thống và các môn thể thao dân gian. Các hoạt động này không chỉ tôn vinh di sản văn hóa mà còn là dịp để nhân dân và du khách hiểu hơn về giá trị của các nền văn hóa, đồng thời nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuần lễ có sự tham gia của gần 1.000 nghệ nhân và diễn viên từ các dân tộc trên khắp cả nước.

Tin cùng chuyên mục