Đại diện USABC khẳng định: Các doanh nghiệp Hoa Kỳ có niềm tin lớn đối với Việt Nam

Chiều 23-3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) gồm hơn 50 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tích cực, trong đó quan hệ kinh tế - thương mại là trụ cột quan trọng. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2022 đạt con số kỷ lục 123 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành một trong 8 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC). Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC). Ảnh: QUANG PHÚC

Đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng

Những thành quả về kinh tế có phần đóng góp quan trọng từ hoạt động hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ nói chung và USABC nói riêng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, với nguồn vốn dồi dào, chất lượng cao, kinh nghiệm quản trị tốt, công nghệ cao, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Hoa Kỳ sớm cải thiện thứ bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Thông tin đến doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua Quốc hội Việt Nam đã kịp thời ban hành các nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch nhằm nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong việc phục hồi sau đại dịch. Nhờ đó, Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 8,02%, các cân đối vĩ mô được bảo đảm.

“Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp tục làm ăn ổn định, lâu dài và thành công tại Việt Nam. Không có bất cứ ý kiến nào của doanh nghiệp gửi đến Quốc hội mà không được lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu nghiêm túc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đại diện USABC khẳng định: Các doanh nghiệp Hoa Kỳ có niềm tin lớn đối với Việt Nam và triển vọng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong tương lai. Nhân dịp này, đại diện các doanh nghiệp đã gửi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một số kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, thuế, đấu thầu, logistics, y tế…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham dự buổi tiếp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham dự buổi tiếp

Lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính toán kỹ

Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi cụ thể về các vấn đề đoàn doanh nghiệp cấp cao USABC quan tâm. Trong đó, về chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tại kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và đang chuẩn bị sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Căn cước công dân... Các luật này đóng vai trò nền tảng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, tháng 9 tới, Quốc hội Việt Nam cũng sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, trong đó sẽ tập trung thảo luận về chủ đề chuyển đổi số.

Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo hành lang pháp lý phục vụ phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; quản lý sản phẩm trí tuệ nhân tạo, quản lý sản phẩm và dịch vụ công nghệ số trọng yếu; bảo đảm phát triển sản phẩm công nghệ số trong nước; dữ liệu số; trung tâm tính toán hiệu năng cao; kinh doanh xuyên biên giới...

Về chuyển đổi năng lượng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 2 vấn đề then chốt là tài chính xanh và công nghệ.

Về y tế, dược phẩm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiều kiến nghị, đề xuất của USABC và các doanh nghiệp đã được Việt Nam nghiên cứu và cụ thể hóa trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 vừa qua), đặc biệt là các quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước, về các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước...

Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam cũng cho biết, cơ quan lập pháp đang xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Dược. Trong khi chưa sửa đổi Luật Dược, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80 về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến ngày 31-12-2024….

Liên quan đến băn khoăn của một số doanh nghiệp về thuế tiêu thụ đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được Việt Nam đặt ra từ lâu với mục tiêu chủ yếu là điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế. Lộ trình điều chỉnh sẽ được tính toán kỹ lưỡng, trong đó có tính đến “sức khoẻ” của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 hiện nay, không thay đổi đột ngột.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn USABC và các doanh nghiệp thành viên tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh đầu tư và đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, giải pháp mới, quản trị hiệu quả và tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Nhấn mạnh nghiên cứu và phát triển, đổi mới và sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp của USABC đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ về tài chính, chuyên môn, chuyên gia… cho các dự án khởi nghiệp, sáng tạo, các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có các giải pháp để bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục