Đa số những người phao tin giả chẳng thèm biết là người đọc có tin hay không. Họ chỉ dùng dịch bệnh này như là một phương tiện lý tưởng để đạt được mục đích của họ, hoặc để kiếm tiền, hoặc để gây hoang mang dư luận.
Trong bối cảnh các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc của dịch Covid-19, nghe theo các tin giả nên người dân càng thêm hoảng loạn. Vì thế, không ít người bị sốt một chút cũng chạy đến khoa cấp cứu của bệnh viện, vốn đã bị quá tải hoặc ngược lại, có những triệu chứng bị nhiễm Covid-19, nhưng giấu nhẹm vì nghe đồn là những người bệnh sẽ bị “thế này, thế kia”.
Để phối hợp chống đại dịch tin giả, vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã họp với đại diện các tập đoàn công nghệ tin học là Facebook, Twitter, Google ngay tại trụ sở của Facebook ở Thung lũng silicon. Các tập đoàn này đã tăng cường các chính sách hiện có, tức là gỡ bỏ mọi nội dung có thể gây phương hại cho công chúng, những quảng cáo về các phương thức điều trị nguy hiểm, và thay vào đó là những thông tin đáng tin cậy, trong đó có những thông tin đến từ WHO. Riêng Facebook còn dựa vào chương trình Third party fact-checking, tức là nhờ một bên thứ ba thẩm tra thông tin, một chương trình được phát triển từ năm 2016...
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Bergstrom, Đại học Washington (Mỹ), một chuyên gia về tin giả trên mạng, những biện pháp nói trên chẳng có tác dụng gì đáng kể, lý do là vì cơ cấu của các mạng xã hội vẫn tạo điều kiện dễ dàng cho sự lan truyền của những tin giật gân hoặc sai lệch.