270 triệu người là nạn nhân
Theo người đứng đầu WFP, trong năm 2020, khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới đang đứng trên bờ vực nạn đói. Trước đó, con số này trong năm 2019 là 135 triệu người, từng được coi là cao nhất trong nhiều năm, chủ yếu do chiến tranh và xung đột vũ trang. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, con số này đã tăng vọt khiến việc cứu trợ lương thực của WFP - tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, gặp nhiều khó khăn. Tại các quốc gia như Yemen, CHDC Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, xung đột bạo lực kết hợp với đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người đứng bên bờ vực của nạn đói.
Từ năm 2015, mục tiêu xóa đói đã được thông qua như một trong những Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình diễn biến xấu đi, đặc biệt là năm 2019 và 2020, đã đe dọa hủy hoại những tiến bộ thế giới đạt được trong hàng chục năm qua ở các lĩnh vực chống nghèo đói, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Giới chuyên gia lo ngại, những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện SDGs có thể bị gián đoạn. Trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những nước nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư và người tị nạn. Dự báo từ Cơ quan Các vấn đề kinh tế xã hội của Liên hiệp quốc (UNDESA) cho rằng, khoảng 71 triệu người trên thế giới bị lâm trở lại tình trạng đói nghèo cùng cực trong năm 2020, đánh dấu lần đầu tình trạng nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998.
Cần đóng góp nhiều hơn
Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện có khoảng hơn 2 tỷ người trên toàn cầu cần có thu nhập hàng ngày để tồn tại, nhưng tại nhiều khu vực trên thế giới lượng người thất nghiệp đang gia tăng từng ngày, từng giờ do Covid-19 khiến vấn đề nghèo đói càng trở nên trầm trọng hơn.
Dự báo về tình hình nhân đạo toàn cầu năm 2021 của Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết, cứ 33 người sẽ có 1 người cần được viện trợ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản như lương thực, nước sạch và vệ sinh, tăng 40% so với năm nay - năm có tỷ lệ người cần viện trợ là 1/45, cao nhất trong hàng chục năm qua. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, trong khi ngân sách viện trợ nhân đạo đang có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra những tác động tàn khốc. Bên cạnh đó, các cuộc xung đột tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể trầm trọng hơn WFP dự báo, rằng năm 2021 có thể là năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi định chế LHQ hình thành cách nay 75 năm.
Báo cáo của LHQ cho biết, trong năm 2020, các nước đã chi kỷ lục 17 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo tập thể, đáp ứng 70% số người nằm trong diện cần viện trợ, tăng 6% so với năm trước đó. Tuy nhiên, LHQ cảnh báo rằng khoản viện trợ này chưa bằng một nửa nhu cầu thực tế cần đến 35 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói lan rộng, chống đói nghèo và giúp trẻ em được đến trường. Do đó, LHQ kêu gọi các nước giàu trên thế giới đóng góp tài chính mạnh mẽ hơn.