Sáng 15-10 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) phối hợp tổ chức Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 41 và 76 năm thành lập FAO.
Ngày Lương thực Thế giới năm nay có chủ đề “Hành động hôm nay, tương lai ngày mai – Cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi sang các hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả, đầy đủ, linh hoạt và bền vững hơn.
Đây cũng là sự kiện kêu gọi sự chung tay hành động từ tất cả các ban ngành nhằm đảm bảo rằng hệ thống sản xuất có thể cung cấp đủ lương thực, thực phẩm với giá cả hợp lý, an toàn và đầy đủ dinh dưỡng để người dân ở mọi nơi đều được hưởng cuộc sống năng động và lành mạnh.
Ngày Lương thực Thế giới năm nay được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đại dịch này không chỉ làm gián đoạn hệ thống nông nghiệp thực phẩm mà còn gây ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về sinh kế và thu nhập, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và bất bình đẳng.
Thay mặt Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông Francisco Pichon, Giám đốc Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD) cho biết, đây là năm thứ hai kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19. Điều này nhắc nhở rằng đại dịch là thách thức toàn cầu gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống lương thực thực phẩm; gây ra đợt suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ.
Những người nông dân vốn đã chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai, nay còn gặp phải khó khăn trong tiêu thụ nông sản sau khi thu hoạch. Trong khi đó, tình trạng nghèo đói gia tăng đang khiến số lượng người dân thành phố phải sử dụng đến các kho dự trữ lương thực ngày càng tăng và hàng triệu người cần viện trợ lương thực khẩn cấp. Cần các hệ thống lương thực thực phẩm bền vững có khả năng cung cấp cho 10 tỷ người trên thế giới vào năm 2050.
Vì lẽ đó, tháng 9-2021, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống lương thực đầu tiên trên toàn cầu. Trong bài phát biểu của mình, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) cam kết, FAO sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện các kết quả của hội nghị và làm việc với tất cả các bên trong nỗ lực chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thực phẩm. Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng “minh bạch, trách nhiệm và bền vững”.
Phát biểu tại sự kiện hôm nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đồng thời đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Qua 9 tháng năm nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 35,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.