Theo Morningstar, năm ngoái, các quỹ ESG thu hút dòng tiền kỷ lục, gấp đôi so với một năm trước đó. Tiền ròng từ các nhà đầu tư đổ vào quỹ đầu tư bền vững đạt 51 tỷ USD, tăng lên mức cao kỷ lục năm thứ 5 liên tiếp.
Riêng các quỹ ESG chiếm khoảng 1/4 lượng tiền chảy vào tất cả các quỹ tương hỗ, trái phiếu và cổ phiếu của Mỹ, đây là bước nhảy vọt lớn so với chỉ 1% vào năm 2014.
Cũng trong năm 2020, tại Mỹ ghi nhận gần 400 quỹ đầu tư ESG, tăng 30%, đồng thời đã gấp 4 lần trong một thập kỷ.
Với kỳ vọng tạo ra một thước đo mới cho thị trường chứng khoán, chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Substainability Index – VNSI) được Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) chính thức giới thiệu vào tháng 7-2017 nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực thành ESG tốt nhất. Đồng thời, chỉ số này cho thấy hiệu quả đầu tư của các mã cổ phiếu bền vững, thu hút quỹ đầu tư tổ chức quốc tế hoạt động theo nguyên tắc đầu tư ESG.
Cũng theo kết quả công bố của HoSE, năm 2020, Vinamilk là công ty hiện đạt tổng điểm ESG 90%, cao hơn 58% so với điểm trung bình ngành, đồng thời cao gấp rưỡi các doanh nghiệp thuộc VN100. Việc thực hành ESG tại Vinamilk cũng được các quỹ đầu tư Dragon Capital và Mobius Partners ghi nhận.
Từ năm 2012, doanh nghiệp này đã phát hành báo cáo phát triển bền vững (PTBV) tách riêng với báo cáo thường niên. Báo cáo PTBV của Vinamilk được lập theo Chuẩn mực Sáng kiến Báo cáo toàn cầu về lập báo cáo (GRI standards) cùng một số chỉ tiêu được công bố bổ sung theo hướng dẫn của GRI dành riêng cho lĩnh vực thực phẩm (GRI Food Processing).
Bên cạnh những chỉ tiêu tài chính tốt, Vinamilk cũng dành nhiều nguồn lực cho hoạt động về phát triển cộng đồng, sử dụng năng lượng mặt trời giảm thiểu phát thải CO2, vận dụng hệ thống biogas cũng như kinh tế tuần hoàn (3REs: Reduce,Recycle, Reuse) nhằm hạn chế lượng rác thải.
Đến năm 2020, tổng năng lượng xanh tiêu thụ chiếm tới 89,17% toàn bộ năng lượng sử dụng trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty.
Nghiên cứu đã chỉ ra các công ty quan tâm đến ESG thường tạo ra kết quả vượt trội so với đối thủ cạnh tranh trong dài hạn. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm giảm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp.
ESG tập trung vào ba yếu tố chính gồm: Môi trường (E); Xã hội (S); Quản trị công ty (G). |