Theo TS-BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), nguyên do là khi tổ chức đấu thầu các loại thuốc này không có hãng hoặc nhà phân phối nào tham gia nên bệnh viện không mua sắm được. Hiện tại tình trạng thiếu thuốc vẫn âm ỉ diễn ra, người bệnh vẫn than phiền còn nhiều bệnh viện lại im lặng.
Khoảng 2 tháng qua, gia đình một bệnh nhân bị tiểu đường type 1 ở TPHCM phải mua bút tiêm insulin ở nhà thuốc bên ngoài do bệnh viện đứt gãy cung ứng mặt hàng này (chỉ còn insulin dạng lọ) dẫn đến chi phí thuốc thang tăng thêm. Tại một bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM, người nhà bệnh nhân phải tìm mua thuốc Immunoglobulin (IVIG) bên ngoài với giá cao ngất để điều trị viêm não tự miễn. Lý do là không có đơn vị cung ứng tham gia đấu thầu nên bệnh viện không mua được thuốc IVIG. Các loại thuốc trên đều nằm trong danh mục bảo hiểm y tế, đáng lý người bệnh phải được hưởng quyền lợi này theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhìn nhận vẫn còn tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế nhưng chỉ xảy ra ở một số địa phương, đơn vị, trong một số thời điểm nhất định, và chỉ thiếu một số loại nhất định chứ không phải tất cả. Lãnh đạo Bộ Y tế liệt kê hàng loạt văn bản và dự án luật mà Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội nhằm giúp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Bộ cũng đang hoàn thiện Luật Dược và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới đây. Nếu Luật Dược được thông qua sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy lưu hành thuốc, giúp các cơ sở nhập thuốc và cung ứng cho cơ sở y tế.
Giám đốc các bệnh viện khẳng định những văn bản, hướng dẫn ban hành thời gian gần đây đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Thậm chí, có quy định được cho là bước tiến vượt bậc như không nhất thiết mua trang thiết bị với giá thấp nhất. Thế nhưng, thực tế tình hình thiếu thuốc vẫn chưa được giải quyết triệt để nên còn không ít người bệnh phải mua thuốc bên ngoài. Hiện nay, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người dân cho y tế chiếm khoảng 45%. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% mới được xem là hệ thống y tế bền vững.
Tình trạng thiếu thuốc chưa được giải quyết triệt để ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người bệnh, kéo theo nguy cơ người bệnh dồn lên tuyến trên khi y tế địa phương không đáp ứng được. Lúc đó, quá tải lại tiếp tục quá tải, chờ đợi nối dài chờ đợi, khó khăn lại đổ lên người bệnh và nhân viên y tế - những người trực tiếp khám chữa bệnh. Thời điểm này, khi những than phiền về điểm nghẽn đấu thầu đã được giải quyết, hành lang pháp lý đã thông thoáng thì công tác mua sắm, đấu thầu phụ thuộc rất lớn vào việc người đứng đầu các đơn vị sẽ tổ chức thực hiện ra sao. Mỗi một sự chần chừ, e ngại, thiếu quyết liệt của từng lãnh đạo bệnh viện, cơ sở y tế có thể sẽ khiến hàng ngàn người bệnh phải chờ đợi phía sau.