Đãi cát tìm vàng

Trước khi Quốc hội khóa VIII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1991, từ năm 1989, UBND TPHCM đã ban hành dưới hình thức một quyết định nhằm chế định các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý.

Đây là cơ sở cho sự hình thành các loại hình doanh nghiệp, thiết lập cơ sở pháp lý nhằm tạo niềm tin cho khu vực tư nhân đầu tư kinh doanh.

Hay trước áp lực thiếu nguồn vốn đầu tư, thành phố thực hiện chủ trương chuyển quyền khai thác những con đường đã được mở rộng cho các doanh nghiệp quản lý khai thác thu phí, đồng thời hoàn trả ngay cho ngân sách số tiền đã đầu tư, để có vốn thực hiện các dự án khác. Mô hình đầu tiên là nhượng quyền khai thác đường Hùng Vương và đường Điện Biên Phủ cho Công ty cổ phần Đầu tư khai thác hạ tầng thành phố (CII), với số tiền chuyển nhượng 1.000 tỷ đồng và có quyền khai thác thu phí trong 9 năm.

Rõ ràng, 2 mô hình nói trên là những sáng kiến, cách làm đã ra đời như thế từ hơn 30 năm về trước, mang tính tiên phong để sau đó được đúc kết và trở thành định chế chung cho cả nước.

Ở giai đoạn kế tiếp, tức 10 năm sau đó, khi luật định đã được hoàn thiện hơn, thực tiễn phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước và những mô hình tiên phong cũng đã chạm ngưỡng giới hạn phát triển nên một lần nữa, thành phố cần một cuộc “khai phóng” mới trong điều kiện, tình hình đã có nhiều đổi khác, thử thách hơn rất nhiều.

Nhìn rõ “sức khỏe” hiện trạng của thành phố, một lần nữa, ở giai đoạn phát triển hiện tại và để tích lũy cho tương lai, sự ra đời, vận hành của các nghị quyết dẫn đường đã và đang đặt ra nhiều cơ hội ‘khai phóng” cho sức bật của một thành phố đầu tàu. Trong đó, không thể “ngồi yên” hay cho phép bất cứ một sự chần chừ, chậm trễ hơn nữa, lãnh đạo thành phố đang vừa kiện toàn, thúc đẩy (thậm chí là thúc giục) sự thay đổi, “dám nghĩ dám làm dám đột phá” vì cái chung trong bộ máy công vụ.

Từ đầu năm đến nay những chuyến đi của lãnh đạo TPHCM (Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…); những buổi tiếp xúc với các học giả, chuyên gia, nhà khoa học, nhà thực tiễn; những hội thảo, diễn đàn kinh tế thành phố được tổ chức theo chuyên đề đã vừa tạo ra cập nhật những kiến thức mới vừa nhìn lại những mô hình hiện hữu. Cách tiếp cận được đặt ra trong bối cảnh và tình hình mới không chỉ là sau đại dịch Covid-19, không chỉ là những thay đổi của cấu trúc thương mại kinh tế của thế giới và khu vực, mà còn là nhu cầu động lực thúc đẩy cải cách mạnh mẽ từ thành phố.

Đây là những tham chiếu rất cần trên cơ sở khá tương đồng với đặc tính của thành phố. Hai bờ Đông - Tây của sông Sài Gòn và “khát vọng” về khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM, chuyển đổi các khu vực có thâm dụng lao động cao thành khu công nghệ cao, ưu tiên cho lao động tự động hóa, kỹ thuật cao, xu hướng kinh tế xanh kinh tế tuần hoàn quan trọng hơn là sứ mệnh cải cách của thành phố từ những năm đầu công cuộc Đổi mới.

Những động thái, bước đi, nỗ lực mang tính chất khảo sát, dò tìm và quan trọng nhất là vận dụng nó bằng Nghị quyết 98/2023/QH15, một nghị quyết có tính kiến tạo so với mặt bằng chung để “một ngày đàng” đi “đãi cát”, những người kế thừa tinh thần tiên phong của vùng đất mở cửa sẽ học được cả “sàng khôn” và tìm được “vàng ròng” từ trong chính nội lực và sức hội nhập của thành phố.

Tin cùng chuyên mục