Đáng chú ý, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nội dung giám sát, đoàn giám sát đề xuất thực hiện việc giao UBND cấp huyện trực tiếp quản lý trung tâm y tế huyện, đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm quản lý chuyên môn của ngành y tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH tranh luận về nội dung này.
ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề nghị Quốc hội thật sự cân nhắc rất kỹ vấn đề này. ĐB dẫn chứng, chính quyền địa phương ở Điện Biên cũng đề nghị với đoàn ĐB Quốc hội giao trung tâm y tế về UBND cấp huyện quản lý vì phòng y tế huyện nhân lực ít, khả năng tham mưu hạn chế. Nhưng, khi xảy ra dịch, trung tâm y tế của các huyện phải lo điều trị cho bệnh nhân, phân ly khu vực điều trị, cách ly, lo trang thiết bị, lo thuốc… Do đó không thể làm hết những nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền địa phương giao. “Tôi cho rằng mô hình hiện nay là phù hợp, không giao về cho UBND cấp huyện quản lý, UBND cấp huyện chỉ quản lý con người”, ĐB Lò Thị Luyến nói.
Quốc hội sáng 29-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét lại quy định mà dự thảo nghị quyết đưa ra. Theo ĐB, trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc sở y tế được đa số tỉnh áp dụng và được đánh giá là mô hình có hiệu quả, thuận lợi trong quản lý hệ thống chỉ đạo xuyên suốt theo ngành dọc. Mô hình này có sự linh hoạt trong điều phối nhân lực, nguồn lực giữa các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, giữa các huyện; giải quyết kịp thời các nhiệm vụ cấp bách, nhờ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng, chống dịch, đảm bảo hiệu quả cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Sở y tế có thể thực hiện dễ dàng việc điều chuyển trang thiết bị giữa các đơn vị, giữa các huyện phù hợp với khả năng, nhu cầu sử dụng cũng như phân tuyến kỹ thuật của mỗi đơn vị ở từng giai đoạn khác nhau, tránh lãng phí nhân lực, nguồn lực.
“Trong bối cảnh chuyển đổi số y tế, chỉ có thể thống nhất mô hình quản lý theo ngành dọc mới đảm bảo được các điều kiện trên”, ĐB Nguyễn Quốc Luận phân tích. Nếu giao UBND huyện quản lý trung tâm y tế huyện sẽ khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Việc chỉ đạo về chuyên môn sẽ không sát sao, thuận lợi như hiện nay. Do đó, nên giữ nguyên mô hình trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc sở y tế.
ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định). Ảnh: QUANG PHÚC |
Ở chiều ngược lại, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, hiện mô hình hoạt động của trung tâm y tế huyện đang có sự không đồng đều, chưa thống nhất giữa các địa phương dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập, tồn tại, hạn chế trong vận hành cũng như phát triển đồng bộ mô hình. ĐB đồng tình với kiến nghị của đoàn giám sát là giao UBND cấp huyện quản lý cơ sở y tế trên địa bàn về tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời giao sở y tế quản lý về chuyên môn, tổ chức.
ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cũng cho rằng, UBND cấp huyện đã gặp nhiều khó khăn với mô hình quản lý của ngành y tế hiện nay trong việc huy động lực lượng chống dịch, hoặc khi có vụ việc về vi phạm an toàn thực phẩm. UBND huyện không thể điều động cán bộ y tế ở cơ sở y tế huyện, mà phải báo cáo để sở y tế tỉnh điều động, gây chậm trễ trong quá trình xử lý ban đầu; UBND huyện cũng không được tham gia chỉ đạo xử lý để giải quyết tốt sự cố. Do đó, nếu quy định như trong dự thảo sẽ tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong vận hành bộ máy quản lý, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh và những vụ việc cần điều động nhân lực, vật lực để xử lý kịp thời, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, dù phương án nào thì cũng phải có sự kết hợp quản lý nhà nước đối với cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn và cơ quan quản lý chuyên môn của Bộ Y tế. Sau khi ĐB thảo luận, Quốc hội sẽ quyết định theo thẩm quyền.