Do cán bộ còn né tránh, đùn đẩy?
Một nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐB) tập trung chỉ ra, đó là bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 43 còn nhiều hạn chế, mà trong số các nguyên nhân, chủ yếu nhất là do vấn đề con người và việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu nhấn mạnh, quan trọng nhất của các chính sách được ban hành trong bối cảnh đặc biệt phải là tính kịp thời, trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết quy định rất rõ các giải pháp phải kịp thời, các chính sách, phải khẩn trương và nguồn vốn phải hấp thụ được ngay. Nhưng đến nay có một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành, làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến tính ứng phó kịp thời của một số chính sách. Bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống như: chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích…
“Qua việc triển khai các chính sách có thể thấy, một số chính sách không hiệu quả. Do đó, khi đưa ra chính sách thì không cần nhiều chính sách, mà phải có đúng trọng tâm, phải biết được người dân thực sự cần gì, doanh nghiệp cần gì”, ĐB Lưu Mai nói.
ĐB Siu Hương (Gia Lai) cũng phát biểu, triển khai Nghị quyết 43, có 11 văn bản ban hành chậm so với tiến độ đề ra, trong đó có 2 văn bản hướng dẫn của bộ chậm đến 7 tháng (trong khi Nghị quyết chỉ thực hiện trong thời gian 2 năm). Việc này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện, giảm ý nghĩa, hiệu quả của chính sách. Chính vì vậy, ĐB đề nghị phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn; làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan cũng như cần nghiên cứu giải pháp căn cơ hơn để có hướng giải quyết việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, trong số nguyên nhân khiến việc triển khai Nghị quyết 43 chưa thực sự như mong muốn, báo cáo giám sát đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có nhóm nguyên nhân chủ quan mà các ĐB đều rất quan ngại. Đó là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. “Để ngăn chặn nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại thì các cấp, các ngành cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân có tinh thần dám làm, dám chịu”, ĐB ĐB Nguyễn Anh Trí nói.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng nêu, hạn chế lớn nhất của việc triển khai Nghị quyết 43 là không triển khai đúng hạn và đầy đủ các dự án, các gói ưu đãi khiến cho mục tiêu đề ra không đạt như kỳ vọng… Nguyên nhân chủ yếu là yếu tố con người, bởi con người là chủ thể đề xuất ban hành chính sách, và cũng chính con người thực thi và triển khai chính sách trong thực tế.
“Con người là yếu tố quyết định chính sách thành công hay không. Hiện nay có tình trạng đùn đầy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả”, ĐB Nguyễn Hữu Thông nói. Đây là việc đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến. “Hệ thống cơ chế, quy định đến nay đã có, vậy thì từ nguyên nhân nào?”, ĐB Nguyễn Hữu Thông trăn trở. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần phải có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả để khắc phục tình trạng trên.
Đề xuất xây dựng chương trình phục hồi kinh tế mới cho giai đoạn tiếp theo
ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị Quốc hội đánh giá đầy đủ, khoa học, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học về quá trình tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 43/2022/QH15, dư địa tài khóa, tiền tệ hiện nay. Trên cơ sở đó để nghiên cứu khả năng xây dựng chương trình phục hồi kinh tế mới cho giai đoạn tiếp theo.
Cùng chung ý kiến với ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng), ĐB Thạch Phước Bình cũng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tiếp tục cho kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 hoặc nghiên cứu khả năng xây dựng một Chương trình phục hồi kinh tế mới trong giai đoạn 2024-2025 nhằm tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho các đối tượng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đề nghị xem xét điều chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả sang các chính sách mà xã hội, người dân đang có nhu cầu. Cùng với đó, Chính phủ cần xem xét tăng thêm nguồn vốn cho địa phương thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP và các chính sách giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp.
ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cũng đề xuất tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đồng thời, xem xét, bổ sung đối tượng được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đối với hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bổ sung quy định ưu đãi cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thuê.