Bác sỹ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 kiến nghị, quan tâm xây dựng các chính sách vừa đặc thù vừa thống nhất phát triển cho hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện trong phạm vi cả nước. Đặc thù ở đây chính là đặc thù nghề nghiệp, về công việc không thể áp dụng như ở trong bệnh viện cũng không phải dự phòng. Quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện. Đồng thời Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 kiến nghị TPHCM nghiên cứu quỹ đất và mặt bằng hiện hữu tại các quận huyện phù hợp để giao cho đơn vị hoạt động, cho xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin hiện đại, xứng tầm với đô thị đặc biệt như TPHCM. Bên cạnh đó cần có chính sách đặc biệt cho lực lượng cấp cứu ngoài bệnh viện về lương, phụ cấp, chế độ làm việc. |
Sáng 9-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế TPHCM. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự tại điểm cầu Hà Nội. Tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XV; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Ngân sách để lại cho TPHCM đang quá thấp
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhận xét, TPHCM đang hồi sinh, đang vượt qua những thời khắc khó khăn, thách thức nhất thậm chí là có thời điểm khủng khiếp, đau thương nhất. Là công dân của thành phố, ĐBQH Trần Hoàng Ngân xúc động bày tỏ lòng ngưỡng mộ và cảm ơn các y bác sĩ đã làm việc bằng 200-300% sức lực để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cả nước có hơn 800.000 ca mắc Covid-19, trong đó TPHCM là hơn 406.000 ca (50%). ĐBQH Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự xót xa trước những tổn thương rất lớn mà TPHCM đã chịu, nhất là tổn thương về con người. “Tính đến hôm nay, thành phố mất đi hơn 15.600 người. Tổn thương về vật chất, tổn thương về kinh tế có thể khôi phục, có thể khắc phục trong nay mai. Nhưng tổn thương về con người là một di chấn, một sang chấn lớn kéo dài”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân bày tỏ.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhận xét, lãnh đạo và nhân dân TPHCM đã nỗ lực chung sức chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người thân mất trong đại dịch. Nhưng qua dịch bệnh, cũng từ đại dịch đã phát lộ rõ hơn nhiều vấn đề bức xúc – vốn là các vấn đề mà các ĐBQH tại TPHCM đã nhiều lần nêu ra trước nghị trường Quốc hội. Đó là quá tải hệ thống y tế, nhà ở thu nhập thấp, định biên, biên chế cho một thành phố đông dân rất thấp... Các phường, xã, thị trấn có 100.000 dân có định biên cũng giống như phường, xã, thị trấn 2.000-3.000 dân.
Đặc biệt, ngân sách để lại cho TPHCM đang quá thấp, mà các ĐBQH đã nhiều lần đề nghị trước Quốc hội nhưng đến giờ này vẫn chỉ có 18%. Năm 2019, TPHCM thu hơn 411.000 tỷ đồng, chỉ chi được 78.000 tỷ đồng. Năm 2020, thu hơn 372.000 tỷ đồng, chi cũng không quá 70.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, dự toán là 365.000 tỷ đồng và được để lại 69.000 tỷ đồng.
Như vậy, TPHCM phải bội chi 14.000 tỷ đồng nữa mới đảm bảo được các khoản chi. “Nói như vậy để thấy các khoản đầu tư cho thành phố tới đây phải được đầu tư đúng tầm để TPHCM có điều kiện đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư y tế”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh và đề nghị cần có nhiều cơ chế chính sách đãi ngộ cho đội ngũ y bác sĩ, đãi ngộ phải thỏa đáng để thu hút học sinh giỏi vào ngành y và giúp y bác sĩ an tâm công tác.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sớm tiêm vaccine cho trẻ em
Tại buổi tiếp xúc cử tri, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 đề nghị các ĐBQH kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế sớm đưa việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Tại TPHCM, có hơn 20.000 trẻ em mắc Covid-19, đa số là triệu chứng nhẹ, trừ trường hợp có bệnh nền, béo phì… Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng nhạy cảm, nhất là các ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 tới sự phát triển của thể chất, tinh thần và trí não “Cần quan tâm tiêm ngừa vaccine cho trẻ em, nhất là các trẻ có nguy cơ cao, bệnh nền, béo phì...”, BS. Nguyễn Thanh Hùng tha thiết. Theo BS, dự kiến tháng 1-2022, TPHCM mở cửa trở lại, đưa các cháu tới trường, như vậy, còn 3 tháng để cố gắng bao phủ vaccine tới trẻ em.
Đồng quan điểm, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng khẩn thiết đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng đưa vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em vào chương trình tiêm chủng. Bệnh viện Hùng Vương là một trong những bệnh viện sản phụ khoa lớn nhất của TPHCM, trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, bệnh viện đã chia làm 2 khu – một khu chăm sóc bệnh nhân thông thường và một khu điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh viện là một trong những đơn vị đầu tiên đã tổ chức tiêm ngừa cho thai phụ và hiệu quả thấy rõ rệt khi số thai phụ mắc Covid-19 đã giảm.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hỗ trợ người bệnh hậu Covid-19
Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM Phan Minh Hoàng cho biết, trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19, vấn đề đặt ra hiện này là phục hồi chức năng cho người bệnh trong và sau điều trị khỏi bệnh Covid-19. Thực tế hiện nay có nhiều bệnh nhân xuất viện nhưng vẫn còn bị những di chứng hậu Covid-19 liên quan đến những triệu chứng khó thở, suy hô hấp.
Do đó hiện nay phải có chiến lược lâu dài để hỗ trợ đối với những người từng mắc Covid-19. Hiện tại, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM đang đưa ra lộ trình để hỗ trợ, điều trị cho người bệnh hậu Covid-19. Trong đó bệnh viện tổ chức tuyên truyền, xây dựng các mô hình hướng dẫn người bệnh tập thở tại nhà…
Bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm y tế phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) cho biết, trạm phụ trách chăm lo sức khoẻ cho người dân tại phường với trên 80.000 dân. Trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong đợt dịch Covid-19 lần này, các trạm y tế đã bộc lộ ra nhiều điểm yếu. Đó là nguồn nhân lực y tế cơ sở, tài chính và chuyên môn.
Cụ thể, đầu tháng 7-2021, khi dịch bùng phát tại phường, có ngày lên đến hơn 100 ca mắc Covid-19. Lúc này nguồn nhân lực tại trạm không đáp ứng đủ công việc truy vết, thăm khám cho người dân. Thời điểm này nếu trạm y tế phường không nhận được sự hỗ trợ, chi viện nhân lực, trang thiết bị kịp thời từ các bệnh viện, quân y, trạm y tế lưu động… thì rất khó khăn.
Trong thời gian tới, nếu lực lượng chi viện rút đi thì trạm rất lo lắng, cần phải tính toán tìm nguồn nhân lực bổ sung. Qua đợt dịch, chúng ta thấy được tầm quan trọng của y tế tuyến cơ sở. Tuy nhiên, thực tế hiện nay để thu hút được nhân lực về công tác tại tuyến y tế cơ sở gặp rất nhiều khó khăn.
Bác sĩ Lê Bá Kông nêu thực tế, một nhân viên y tế mới ra trường không ai chọn về tuyến y tế cơ sở vì làm ở các bệnh viện vài năm giá trị bản thân của nhân viên y tế khác hoàn toàn với nhân viên y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở. Trong đó kiến thức được nâng cao hơn, kinh tế tốt hơn. Do đó bác sĩ Kông rất mong được sự quan tâm cụ thể hơn đến tuyến y tế cơ sở, đó là chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế cũng như về chế độ lương, phụ cấp…