Đại biểu Quốc hội tán thành cần mạnh dạn phân cấp cho cấp huyện

Chiều 16-1, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.

quoc-hoi-chieu-16-1-2244-709.jpg
Quang cảnh phiên họp Quốc hội, chiều 16-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù, trong đó, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu (ĐB) Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đồng ý thí điểm 1-2 năm với cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2024-2025. Theo đó, HĐND cấp tỉnh quyết định lựa chọn 1 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025…

ĐB Dương Khắc Mai cũng nêu thực tế, hiện nay, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã bước sang năm thứ 4, tuy nhiên còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, ĐB đề nghị cơ quan có liên quan sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

cac-dai-bieu-du-phien-thao-luan-chieu-16-1-965.jpg
Các đại biểu dự phiên thảo luận, chiều 16-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, cần bổ sung cơ chế tháo gỡ để việc triển khai được thuận lợi hơn như giảm tỷ lệ vốn đối ứng đối người dân thụ hưởng (vì bản thân họ rất khó khăn) và những địa phương còn khó khăn, phụ thuộc và cân đối ngân sách từ trung ương, để đảm bảo việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đúng tiến độ.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đây là nghị quyết rất cần thiết, có các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều nhất khó khăn, vướng mắc, để đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, về đề xuất phân cấp, ĐB băn khoăn về năng lực thực hiện của cấp huyện.

db-nguyen-anh-tri-ha-noi-8242.jpg
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị sắp xếp kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình giảm nghèo để hỗ trợ kinh phí cho con em dưới 6 tuổi gia đình nghèo, cận nghèo được đi học mầm non ở các cơ sở đạt chuẩn, vì thực tế hiện nay, nhiều cháu phải học ở những cơ sở thiếu chuẩn, bị bạo hành, thiếu dinh dưỡng… “Nuôi con gì không bằng nuôi con người, trồng cây gì cũng không bằng trồng người”, ĐB Nguyễn Anh Trí ví von và cho biết, sẽ kiên trì với đề xuất này.

ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) thống nhất với quy định HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần, trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND huyện quyết định.

ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) còn đề nghị phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.

db-ta-van-ha-quang-nam-5846.jpg
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng đồng tình phân cấp mạnh mẽ để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, “cần mạnh dạn phân cấp cho cấp huyện”. ĐB cũng cho rằng, cũng không nên quy định HĐND cấp tỉnh quyết định lựa chọn 1 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025… Thay vào đó, giao cho địa phương linh hoạt, chủ động trong việc thí điểm này. ĐB cũng ủng hộ thí điểm từ năm 2024-2025.

Cũng thảo luận về nội dung này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ góc nhìn về cơ chế đặc thù. Ông cho rằng, nhiệm kỳ này, Quốc hội cho phép thực hiện nhiều cơ chế đặc thù, việc sử dụng cơ chế đặc thù đều mang lại hiệu quả tốt, chưa có cơ chế đặc thù nào mang lại tác động xấu.

Việc thiết lập các cơ chế đặc thù sẽ giúp khắc phục sự khô cứng của quy định pháp luật, đưa kế hoạch triển khai phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, qua đó mang lại kết quả tốt. Bởi, pháp luật có thể phù hợp ở lĩnh vực này, nhưng chưa thực sự phù hợp ở lĩnh vực khác, hoàn cảnh cụ thể khác.

db-hoang-van-cuong-ha-noi-819.jpg
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Hoàng Văn Cường cũng dự báo trong tương lai, chúng ta còn phải thông qua nhiều cơ chế đặc thù nữa để “cởi trói” những vướng mắc về mặt pháp luật nhằm bảo đảm việc thực thi chính sách có hiệu quả. Do đó, không nên chờ đợi các địa phương, các ngành, các lĩnh vực thấy vướng mắc rồi đề xuất cơ chế đặc thù, mà cần chủ động đưa ra cơ chế, phương thức để khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc trong pháp luật bằng các cơ chế đặc thù.

“Mạnh dạn phân cấp cũng là cách để cán bộ mạnh dạn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đề nghị Quốc hội có nghị quyết, hoặc lồng vào nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép vận dụng những quy định dù không đúng với quy trình nhưng mang lại hiệu quả và được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ĐB đề xuất.

Tin cùng chuyên mục