Chiều 20-10, trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Các ĐB đã góp ý nhiều về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật TTHS. Về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, tán đồng với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại.
Góp ý về việc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; căn cứ tạm đình chỉ điều tra; căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần có định nghĩa thế nào là “bất khả kháng” và cụ thể hóa ngay trong luật thế nào là “bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.
Theo ĐB, lý do “bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” rất rộng, nếu không cụ thể thì sẽ tạo khoảng trống dẫn tới vụ việc, vụ án bị đình chỉ không đúng, dẫn tới ảnh hưởng đến quyền lợi, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với pháp luật.
Để tránh tùy liện, lạm dụng và đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật, ĐB Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TPHCM, kiến nghị giao cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn chi tiết, cụ thể tình hình thiên tai, dịch bệnh ở cấp độ nào, nhóm nào thì được coi là “điều kiện bất khả kháng”.
Góp ý về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, ĐB Dương Ngọc Hải đồng ý với Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 Bộ Luật TTHS theo hướng giao cho công an xã có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm như đối với công an phường, thị trấn, đồn công an. Theo ĐB, việc sửa đổi là hoàn toàn hợp lý, cần thiết. ĐB đánh giá, với việc bố trí công an chính quy đảm nhận các chức danh công an xã, công an xã hoàn toàn đủ điều kiện để tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ.
ĐB Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TPHCM cũng đồng tình với việc tăng thẩm quyền kiểm tra, xác minh cho công an xã. Theo ĐB, công an cấp xã đang giải quyết khoảng 40% khối lượng công việc của ngành, và hầu như toàn bộ các hoạt động ban đầu - bảo vệ hiện trường, phối hợp với cơ quan điều tra cấp huyện - đều là công an cấp xã thực hiện nhưng lại không được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh sơ bộ. Vì thế, việc tăng thẩm quyền kiểm tra cho công an xã sẽ giúp đẩy mạnh tính chịu trách nhiệm và giảm tải cho cơ quan điều tra cấp huyện.
ĐB Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM, đánh giá, hầu hết công an xã tại TPHCM đều có công an chính quy. Năng lực xử lý của công an xã đã được nâng lên. Vì thế, việc bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xác minh là phù hợp với tình hình hiện nay và công an xã hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu.