Ngày 6-1, trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tham gia thảo luận tổ tại điểm cầu TPHCM về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) thống nhất với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Vì sao không kêu gọi được đầu tư tư nhân?
Đối với dự án này, ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc chuyển từ kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Theo ĐB, chuyển qua đầu tư công cho thấy thất bại trong việc kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Các dự án PPP ít được nhà đầu tư hưởng ứng, trong khi thực tế, các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi rất nhiều, thể hiện qua vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TPHCM).
"Vì sao vốn đổ vào đất cao như thế, cao ngút trời, mà lại không đổ vốn vào cao tốc Bắc - Nam? Vì sao nhà đầu tư trong nước không mặn mà với công trình giao thông, dù không thiếu tiền?", ĐB Trương Trọng Nghĩa băn khoăn. |
Theo ĐB, nguyên nhân là các văn bản dưới luật và cách tổ chức thực hiện các dự án PPP chưa bảo vệ được nhà đầu tư.
ĐB Trương Trọng Nghĩa đánh giá, phương thức PPP vốn rất tiến bộ và được Việt Nam học từ các nước, bởi lẽ không quốc gia nào đủ vốn để đầu tư công 100% các dự án. Thu hút PPP không chỉ giải quyết vấn đề thiếu vốn, mà còn nâng cao hiệu quả, chất lượng dự án khi có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân.
“Dự án cao tốc Bắc – Nam có nhiều dự án thành phần mà không thu hút PPP được dự án nào. Nhiều đại gia, tỷ phú tên tuổi của Việt Nam tại sao không đầu tư, tại sao không thu hút được đầu tư mà phải chuyển sang đầu tư công?”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi và yêu cầu Chính phủ trước hết phải xem xét, chấn chỉnh để hoàn thiện hơn PPP. |
Trường hợp không còn lựa chọn nào khác thì mới quay về đầu tư công, bởi đầu tư công sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách, tăng nợ công cùng nhiều hệ lụy khác.
Tránh tâm lý muốn dùng tiền của nhà đầu tư mà lại sợ nhà đầu tư có lợi
Tán đồng với góp ý của ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các quy định hiện hành, đánh giá tại sao nhà đầu tư không mặn mà với dự án này.
“Mình muốn dùng tiền của người ta để thực hiện dự án, nhưng lại sợ… người ta có lời nhiều” ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nêu nghịch lý và cho rằng, “phải chấp nhận họ có lời thì họ mới đầu tư”. |
Dự án cao tốc Bắc – Nam có toàn bộ 12 dự án thành phần, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Về hình thức này, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nêu rõ, việc nhượng quyền thu phí vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể. ĐB đề nghị Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật trước khi đề xuất phương án thu hồi vốn.
Góp ý thêm, ĐB Trương Trọng Nghĩa cảnh báo rủi ro từ nhượng quyền thu phí khi nhãn tiền đã xảy ra sai phạm tại tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Theo ĐB, đấu giá việc chuyển nhượng quyền thu phí đối với cao tốc Bắc – Nam là vấn đề không đơn giản.
1 vụ thi hành lại “đẻ” ra 2-3 vụ án liên quan
Cũng trong sáng 6-1, các ĐB đã góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM đánh giá, việc sửa đổi các luật theo hướng phân cấp mạnh cho các địa phương, bộ, ngành trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, ĐB Nguyễn Minh Hoàng, thống nhất việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho địa phương đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Đối với dự án nhóm A, ĐB đề nghị cũng phân cấp cho cấp tỉnh quyết định.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, ĐB Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TPHCM nhận xét, công tác thi hành án dân sự hiện nay còn nhiều ách tắc và chậm trễ, nhất là thi hành các vụ án liên tham nhũng, các vụ liên quan các tổ chức tín dụng – ngân hàng...
Hiện nay, lượng thi hành án dân sự về tài sản liên quan đến các vụ án này chiếm tỷ lệ rất ít, nhưng lượng tiền phải thi hành lại rất cao (lên tới 85%), và tỷ lệ thi hành chỉ đạt 30%.
ĐB Lê Thanh Phong đánh giá, với tình hình này, việc sửa đổi 3 điều 55, 56 và 57 trong Luật Thi hành án dân sự mới chỉ là ngọn, chưa phải là gốc để giải quyết vấn đề.
Đánh giá tổng quan, ĐB Lê Thanh Phong cho rằng, nhiều vụ án xét xử đã có hiệu lực nhưng vẫn không thi hành được đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo ĐB, bản án đã đưa ra thì phải thi hành, như vậy luật pháp mới được thực thi. Thi hành án hoàn tất mới là kết thúc của vụ án. Tuy nhiên, thực tế lại vướng rất nhiều. Quá trình thi hành án có khi phát sinh ra các tranh chấp mới.
“Như vậy, từ 1 vụ án phải thi hành án, lại “đẻ” ra 2 – 3 vụ án, rồi vụ này chờ vụ kia rất lâu. Có khi hệ lụy là người mua tài sản đấu giá bỏ tiền mua mà vẫn không lấy được tài sản, người phải thi hành án cũng chưa thi hành án được”, ĐB Lê Thanh Phong phân tích và đề nghị khi sửa Luật Thi hành án dân sự thì phải sửa một cách căn cơ để tháo gỡ các khó khăn chồng chéo.
Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục khi thi hành án và ưu tiên thi hành các bản án đã có hiệu lực. Trường hợp có tranh chấp phát sinh thì được quyền khởi kiện sau. Có như vậy mới tránh tình trạng nhùng nhằng án này chờ án kia không biết đến bao giờ mới thi hành án xong.
Tránh “trào lưu” xin cơ chế đặc thù |